Bản quyền quốc ca và tính phức tạp về pháp lý
Liệu có khả năng nào mà công dân hoặc tổ chức nước ngoài có quyền độc quyền hợp pháp đối với bản ghi âm, bản ghi hình chứa Quốc ca không?...
Sự kiện quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trên kênh YouTube vì lý do bản quyền trong trận bóng đá Việt Nam – Lào ngày 6/12/2021 thuộc khuôn khổ giải AFF Suzuki Cup 2020 gây phẫn nộ trong dư luận. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức lên tiếng chỉ trích hành động tắt tiếng Quốc ca và tuyên bố “không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam”. Song đây là vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có sự ứng xử phù hợp.
Quốc ca là một tác phẩm âm nhạc, một bài hát chính thức của một quốc gia thường được biểu diễn ở các sự kiện văn hóa, chính trị và thể thao để thể hiện lòng yêu nước và tự hào dân tộc của quốc gia đó. Vì là tác phẩm âm nhạc nên Quốc ca Việt Nam (gồm cả phần nhạc và phần lời) được bảo hộ pháp lý về quyền tác giả ở 179 quốc gia thành viên của Công ước Berne gồm cả Việt Nam và Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam với tư cách là một tác phẩm văn học nghệ thuật.
HIỂU ĐÚNG VỀ BẢN QUYỀN QUỐC CA
Bảo hộ pháp lý đối với quốc ca được hiểu là pháp luật không chỉ trao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả quyền độc quyền có thời hạn (thường là 50 năm sau khi tác giả chết) nhằm ngăn chặn người khác làm bản sao tác phẩm đó mà còn cả quyền kiểm soát khả năng tác phẩm này bị công bố, cắt, ghép, trích dẫn, truyền đạt, biểu diễn hoặc biến đổi mà không có sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Như vậy, các quyền độc quyền nêu trên dành cho tác giả của quốc ca theo pháp luật Việt Nam được gọi là quyền tác giả.
Tuy nhiên, vấn đề pháp lý xung quanh việc khai thác, sử dụng quốc ca lại trở nên phức tạp hơn khi xuất hiện các chủ thể khác mà cũng được pháp luật công nhận bảo hộ pháp lý đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của họ. Những chủ thể thụ hưởng quyền bảo hộ pháp lý này gồm người biểu diễn (diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công), nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và tổ chức phát sóng.
Khung pháp lý về bảo hộ pháp lý cho các chủ thể này gồm nhiều công ước quốc tế chẳng hạn như Công quốc tế về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng (Công ước Rome), Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép trái phép bản ghi âm của họ (Công ước Geneva) mà Việt Nam đều là thành viên, và Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Người biểu diễn (diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công), nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và tổ chức phát sóng có quyền độc quyền có thời hạn (50 năm tính từ thời điểm định hình, công bố hoặc phát sóng) ngăn chặn người khác làm bản sao hoặc phân phối trái phép cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của họ.
Các quyền độc quyền này người ta gọi là quyền liên quan đến quyền tác giả hay còn gọi là quyền kề cận. Bảo hộ pháp lý cho quyền kề cận hoàn toàn độc lập với với quyền tác giả với điều kiện cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng không gây phương hại đến quyền tác giả.
Như vậy, trường hợp Quốc ca thuộc sở hữu Nhà nước và toàn dân do gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng năm 2016 thì có thể suy luận rằng mọi công dân Việt Nam đều có quyền làm bản sao, phân phối, biểu diễn trước công chúng, truyền đạt đến công chúng.
Hoặc nói một cách đơn giản, mọi công dân hoặc tổ chức có quốc tịch Việt Nam đều có thể làm bản hòa âm, phối khí và thu âm, ghi hình hợp pháp quốc ca Tiến Quân Ca và bản thu âm, ghi hình đó được bảo hộ pháp lý dưới hình thức quyền kề cận, mọi tổ chức, cá nhân khi sao chép hoặc sử dụng bản ghi âm, ghi hình đó đều phải xin phép hoặc trả tiền cho tổ chức, cá nhân đã làm ra bản ghi âm, ghi hình đó.
Liệu có khả năng nào mà công dân hoặc tổ chức nước ngoài có quyền độc quyền hợp pháp đối với bản ghi âm, bản ghi hình chứa Quốc ca không?
Câu trả lời là hoàn toàn có thể vì tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể nhận chuyển nhượng bản ghi âm, bản ghi hình chứa Quốc ca được hòa âm, phối khí và thu âm, ghi hình bởi từ cá nhân, tổ chức có quốc tịch Việt Nam vì quyền tác giả và quyền kề cận đều có thể chuyển nhượng hợp pháp theo pháp luật Việt Nam.
BẢN QUYỀN QUỐC CA - VẤN ĐỀ PHÁP LÝ PHỨC TẠP Ở NHIỀU NƯỚC
Năm 1931, Quốc Hội Hoa Kỳ tuyên bố bài hát “The Star-Spangled Banner” là quốc ca nên bản quyền thuộc về toàn dân. Quốc ca Mỹ được soạn lời năm 1814 bởi nhà thơ và luật sư Francis Scott Key nhưng phần nhạc lại dựa trên giai điệu của bài hát phổ biến của Anh hồi thế kỷ 18 với tên gọi là “To Anacreon in Heaven” được viết bởi một nhạc sĩ nghiệp dư John Stafford Smith.
Bất luận bản quyền thuộc về nhân dân thì theo luật của Mỹ, cá nhân hoặc tổ chức nào đã đầu tư công sức và tiền bạc để hòa âm phối khí và thu âm bài quốc ca thì được hưởng quyền độc quyền đối với buổi biểu diễn, bản ghi âm hoặc bản ghi hình chứa bài quốc ca đó.
Nói cách khác, tổ chức hoặc cá nhân khác tái sử dụng bản ghi âm, bản ghi hình bản nhạc chứa bài quốc gia đó thì phải xin phép và trả phí bản quyền cho tổ chức đã đầu tư hòa âm phối khí và thu âm bài quốc ca đó.
“Count on Me, Singapore” là quốc ca của Singapore được soạn bởi hai nhạc sĩ người Canada Hugh Harrison và Jerremy Monteiro vào năm 1986. Đầu năm 2021, ca khúc “We Can Achieve” do nhạc sĩ Ấn Độ Joseph Mendoza sáng tác bị tố là đạo nhạc quốc ca của Singapore.
Tuy nhiên, Mendoza lại cho rằng tác phẩm “We Can Achieve” của anh ta ra mắt sớm hơn “Count on Me, Singapore” ba năm dù không có bằng chứng chứng minh. Nếu đúng vậy, thì quốc ca của Singapore thuộc sở hữu toàn dân Singapore có nguy cơ bị xem là xâm phạm bản quyền trên mạng xã hội chẳng hạn như YouTube.
Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore lúc đó kiên quyết bảo vệ bản quyền quốc ca, quyết tâm sử dụng biện pháp pháp lý theo đuổi vụ kiện bản quyền. Sau một thời gian tranh cãi, Mendoza đồng ý rút đơn khiếu nại vì không đủ chứng cứ, và thông báo các bên liên quan và mạng xã hội sẽ rút bỏ bài hát và bản ghi hình “We Can Achieve”.
ĐÂU LÀ CÁCH GIẢI QUYẾT?
Để tránh hiện tượng bị tắt tiếng gây phẫn nộ nêu trên, một mặt, Việt Nam nên làm sẵn bản ghi âm, bản ghi hình tiêu chuẩn cho Quốc ca đưa lên các website chính thức của Nhà nước; hoặc có thể phân phối để lưu giữ bởi Bộ Ngoại giao và các bộ ngành khác bao gồm cả Liên đoàn bóng đá Việt Nam để cung cấp cho đối tác tổ chức các sự kiện sử dụng khi cần.
Mặt khác, Việt Nam cũng cần xác minh nguồn gốc pháp lý của bản ghi âm, bản ghi hình Quốc ca mà tổ chức nước ngoài tuyên bố có tư cách sở hữu trước khi khiếu nại với các nền tảng mạng xã hội gồm cả YouTube.
(*) Công ty sở hữu trí tuệ Bross & Cộng sự (Bross & Partners)