Báo cáo PCI không phản ánh đầy đủ ý kiến doanh nghiệp tại Thanh Hóa
Theo đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư Thanh Hóa, các phân tích trong báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 dựa trên kết quả tham gia trả lời điều tra của 11.312 doanh nghiệp của 63 tỉnh, thành trên cả nước. Bình quân mỗi tỉnh khoảng 200 doanh nghiệp. Do đó, kết quả này không không phản ánh đầy đủ ý kiến của các doanh nghiệp...
Mặc dù trong thời gian qua, Thanh Hóa luôn là tỉnh nằm trong nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhưng năm 2022, Thanh Hóa bị tụt hạng khá sâu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...
VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Thanh Hóa để tìm hiểu về vấn đề này.
Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thanh Hóa giảm sâu trong năm vừa qua?
Như chúng ta đã biết, theo số liệu công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh (PCI) Thanh Hóa năm 2021 đứng thứ 43 cả nước và giảm 15 bậc so với năm 2021. Có nhiều nguyên nhân, trong đó:
Chỉ số PCI và các chỉ số thành phần được xây dựng chủ yếu trên cơ sở thu thập thông tin dữ liệu điều tra (sử dụng bảng hỏi) từ các doanh nghiệp, nên phụ thuộc nhiều vào cách đặt câu hỏi cũng như lựa chọn các doanh nghiệp để gửi bảng hỏi, thu thập dữ liệu.
Ngoài ra, theo Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 do nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, các phân tích trong báo cáo năm 2021 dựa trên kết quả tham gia trả lời điều tra của 11.312 doanh nghiệp của 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Như vậy bình quân mỗi tỉnh khoảng 200 doanh nghiệp, chỉ chiếm chưa đến 1% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Do đó, kết quả nghiên cứu này không đại diện hết cho các doanh nghiệp trong tỉnh, không phản ánh đầy đủ ý kiến của các doanh nghiệp.
Hơn nữa, việc đánh giá chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) chưa có tính kế thừa và chưa căn cứ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương thể hiện qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội như: Tốc độ tăng trưởng, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực… Do đó, nhiều tỉnh, thành có Chỉ số PCI tốt, xếp thứ hạng trong nhóm tốt, nhưng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội lại ở nhóm sau và ngược lại.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ; năng lực kinh doanh, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, dẫn tới phải xử lý vi phạm, thanh tra, kiểm tra, do đó ảnh hưởng đến kết quả đánh giá của các doanh nghiệp này khi lấy ý kiến đối với chỉ số PCI của tỉnh.
Các cấp, các ngành có lúc, có việc còn chưa thực sự năng động, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như: Công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp...; tinh thần, trách nhiệm, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao.
Thanh Hóa sẽ có giải pháp gì để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới?
Tỉnh Thanh Hóa luôn đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.
Thứ nhất, nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch sử dụng đất và thực hiện công khai các đồ án quy hoạch, kế hoạch theo quy định, tạo thuận lợi để các tổ chức, người dân, doanh nghiệp được biết, tham gia thực hiện và giám sát theo đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
Thứ hai, tâp trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, tập trung vào các lĩnh vực như: hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng cảng biển, đầu tư nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Thọ Xuân; hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Thứ ba, dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để giải phóng mặt bằng sạch trong Khu kinh tế Nghi Sơn, tạo quỹ đất sạch để sẵn sàng thu hút đầu tư. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được chấp thuận.
Thứ năm, ban hành các chính sách phát triển doanh nghiệp như: Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND ngày 13/4/2022 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2026; Nghị quyết số 125/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 về sách hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi các cảng hàng không trong nước và quốc tế; số 248/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh về việc ban hành Chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng conterner qua Cảng Nghi Sơn.
Thứ sáu, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực. Ban hành các chính sách phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu nhân lực của nhà đầu tư như: chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; chính sách thu hút bác sĩ trình độ cao và bác sĩ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tỉnh Thanh Hóa.