Blog chứng khoán: Săn cổ phiếu tích lũy
Phiên va chạm đầu tiên với đỉnh lịch sử đã không trọn vẹn khi thiếu đi sức mạnh của nhóm cổ phiếu lớn có khả năng quyết định sự đột phá. Điều đó không quan trọng, vì cổ phiếu vẫn đang diễn biến tốt hơn chỉ số. Khi thời điểm chín mùi, các trụ sẽ làm nốt việc cần làm...
Phiên va chạm đầu tiên với đỉnh lịch sử đã không trọn vẹn khi thiếu đi sức mạnh của nhóm cổ phiếu lớn có khả năng quyết định sự đột phá. Điều đó không quan trọng, vì cổ phiếu vẫn đang diễn biến tốt hơn chỉ số. Khi thời điểm chín mùi, các trụ sẽ làm nốt việc cần làm...
Đỉnh lịch sử vẫn mang tính chất của một mốc kháng cự tâm lý. Hôm nay VNI dao động kiểu như phản ứng với ngưỡng cản, nhưng thực tế độ lùi lại hoàn toàn do các trụ kéo xuống, dù các mã này có mức tăng ngắn hạn không nhiều.
Diễn biến đó giống như một thao tác hãm đà hơn là phản ứng bán ra mạnh của số đông, theo chiến lược kéo dài 3 tháng nay là chốt ở vung cản và chờ mua ở vùng hỗ trợ. Cổ phiếu phần lớn đang đi đường riêng, nhiều mã còn xa mới tới đỉnh cũ, nhiều mã đã vượt đỉnh tương ứng với chỉ số từ lâu. Nói cách khác, đỉnh của chỉ số không nên đặt quá nặng nề lúc này, cổ phiếu nào mới là điều quyết định.
Dòng tiền hôm nay chỉ ở mức trung bình cao, trên 20k tỷ nhưng chưa tới 30k tỷ. Tuy nhiên nhiều nhóm cổ phiếu tăng tốt. Xu hướng dường như là đang tìm kiếm các mã cơ bản đang trong giai đoạn tích lũy. Cổ phiếu chứng khoán là ví dụ, hầu như chỉ mới đi ngang kéo dài. Tuy các cổ phiếu lớn nhất không tham gia kéo điểm số phiên này và thanh khoản VN30 cũng giảm, nhưng các cổ phiếu trung bình của rổ này vẫn là những mã tạo điểm chính cho chỉ số. Vai trò dẫn dắt của blue-chips vẫn như trước.
Vẫn giữ quan điểm là lúc này nên chọn cổ phiếu mà mua và nắm giữ, không nên quan tâm yếu tố kỹ thuật của VNI. Chỉ số vượt đỉnh không đồng nghĩa với điểm mua ở cổ phiếu, mà chỉ làm được một điều, là tạo sự đồng thuận từ khía cạnh phân tích kỹ thuật thị trường chung. Với khả năng điều tiết ở các mã lớn thì sớm muộn điều này cũng xảy ra, và khi đó điểm mua không phải là tốt nhất ở cổ phiếu.
Thị trường trong ngắn hạn không có thông tin nào xấu, mà có kỳ vọng phía trước về kết quả kinh doanh. Ít nhất đó là lý do để người cầm cổ không nhất thiết phải bán ra, trừ các giao dịch lướt sóng ngắn hạn. Xu hướng thị trường tăng và điều chỉnh intraday càng hẹp càng thể hiện sức mạnh. Giá lên trước sẽ kéo dòng tiền theo sau. Nếu VNI vượt đỉnh và thanh khoản bùng nổ thì đó là lúc các đồng tiền thận trọng nhất cũng phải đồng thuận.
Thị trường phái sinh hôm nay không thể giao dịch được vì chỉ số dao động quá hẹp (intraday) trong khi basis chiết khấu quá rộng. Cuối phiên F1 chiết khấu tới gần 20 điểm! Nghe có vẻ các tay chơi phái sinh nhất định đặt cược cho một nhịp phản ứng tại đỉnh cũ. Thanh khoản F1 giảm 35% so với phiên trước, tức là cũng không nhiều người tham gia cuộc chơi đặt cược này.
Thực ra thì với basis chiết khấu quá rộng như vậy, Long là chiến thuật hợp lý hơn. Tuy nhiên do phái sinh là trading, nên vẫn có thể xuất hiện nhịp giảm intraday. Vì thế ngay cả chiến lược Long cũng vẫn có thể chờ đợi một mức chiết khấu tốt hơn, còn Short thì quá rủi ro vì F1 hoàn toàn có thể điều chỉnh bằng co basis chứ không giảm. Do cả Long lẫn Short đều khó nên thanh khoản giảm là bình thường.
Mức basis rộng như vậy thường được xem là phản ánh thận trọng, chờ giảm ở thị trường cơ sở. Tuy nhiên đây cũng là một công cụ dò tâm lý thị trường. Nếu basis hẹp lại và trong trường hợp VN30 giảm intraday nhưng F1 chỉ co basis, đó sẽ là tín hiệu tích cực về tâm lý. Chiến lược vẫn là canh Long.
VN30 chốt hôm nay tại 1548.04, ngay tại một mốc. Cản gần nhất ngày mai là 1553; 1558; 1560; 1565; 1572; 1575; 1582. Hỗ trợ 1545; 1539; 1535; 1530; 1522.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.