Bộ Công Thương xây dựng hàng loạt nghị định, chính sách để phát triển năng lượng tái tạo
Hiện tại, Bộ Công Thương đang tham mưu cho Chính phủ thực hiện xây dựng một loạt khung chính sách và pháp luật để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nói riêng và toàn bộ ngành điện nói chung...
Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển lần thứ tư, năm 2024 với chủ đề “Tiến trình Việt Nam phát triển kinh tế xanh và bền vững: Từ chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND TP. Hải Phòng tổ chức chiều ngày 10/4, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cho biết phát triển năng lượng tái tạo đã được định hướng trong bản quy hoạch phát triển điện lực quốc gia vừa được Chính phủ phê duyệt.
Tỷ trọng năng lượng tái tạo hiện đang chiếm 26-27% và theo quy hoạch điện 8 đến năm 2030 tỷ trọng điện năng lượng tái tạo chiếm gần 40% tổng công suất điện. Với tỷ trọng lớn như vậy đáp ứng được chiến lược quốc gia về biến đổi khi hậu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hiện tại, Bộ Công Thương đang tham mưu cho Chính phủ thực hiện xây dựng một loạt khung chính sách và pháp luật để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nói riêng và toàn bộ ngành điện nói chung, trong đó có Luật Điện lực sửa đổi, Bộ Công Thương đang xây dựng hoàn thiện dự thảo lần 2, đăng trang web để xin ý kiến các thành phần kinh tế cũng như cơ quan quản lý.
Hai nghị định quan trọng để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo gồm: Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà và Nghị định về thúc đẩy đầu tư dự án năng lượng tái tạo theo cơ chế đàm phán trực tiếp người mua và người bán.
Đối với dự thảo Nghị định 1, Phó Thủ tướng Hồng Hà chủ trì cuộc họp với Bộ Công Thương để rà soát xem xét nội dung dự thảo nghị định.
Đối với dự thảo nghị định 2, thúc đẩy đầu tư dự án năng lượng tái tạo theo cơ chế đàm phán trực tiếp người mua và người bán để thúc đẩy phát triển dự án và người sử dụng. Cùng với các cơ chế khác gồm điều chỉnh, chỉnh sửa thông tư trực tiếp liên quan quy định vận hành thị trường điện, hệ thống điện đảm bảo phù hợp hệ thống điện quy mô lớn.
Ngoài ra, còn có Thông tư quy định quan trọng về khung giá phát điện của nguồn điện mới. Nguồn điện mới không chỉ với Việt Nam mà với quốc tế cũng có quan điểm tiếp cận khác nhau như nguồn điện gió ngoài khơi, nguồn điện rác thải sinh khối, nguồn lưu giữ năng lượng...
"Những khung chính sách, quy định pháp luật để tính toán giá, hợp đồng mua bán điện cũng được Bộ Công Thương khẩn trương soạn thảo hoàn thiện. Tinh thần năm 2024, với khung chính sách như thế thì có cơ sở để nhà đầu tư, đặc biệt bên tài trợ vốn sẽ có đủ cơ sở để triển khai dự án năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện 8", Phó Cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh.
Cũng tại Diễn đàn, ông Joseph Uddo, Chủ tịch AmCham Hanoi, nhấn mạnh AmCham rất muốn làm việc trực tiếp với Chính phủ để giảm thiểu các gánh nặng về mặt hành chính, cũng như giảm rủi ro liên quan tới một số thành tố trong chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.
"Khi chúng tôi làm việc ngày một chặt chẽ với chính phủ để hiện thực hóa tương lai năng lượng Việt Nam, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thì chúng tôi thấy rằng một số hạng mục cần phải xử lý ngay lập tức, như phê duyệt các dự án năng lượng quy mô lớn, đặc biệt là dự án về khí và LNG để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng như đem lại nhiều hàm lượng điện sản xuất bằng năng lượng tái tạo hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Chắc chắn trong tương lai xa cần phải có các hợp đồng mua bán điện mà các nhà băng đánh giá là khả thi để đầu tư", đại diện AmCham nói.
Chủ tịch AmCham Hanoi cũng nói thêm, Mỹ rất mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất mong muốn có các nguồn năng lượng tái tạo, sạch và bền vững và đóng góp một vai trò trong tiến trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.