Bộ Tài chính "lên dây cót" ngăn hàng giả hàng lậu
Kiểm tra chặt các tuyến biên giới, rà soát cơ sở bán hàng nội địa để ngăn hàng lậu, hàng giả là nhiệm vụ của toàn ngành tài chính từ nay đến Tết Nguyên Đán....
Trưởng Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính - Thứ trưởng Vũ Thị Mai vừa ký ban hành Kế hoạch số 60/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Trước dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Kế hoạch nêu rõ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính xây dựng nội dung gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả công tác chuyên môn nhằm xây dựng nội bộ trong sạch, nâng cao năng lực công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức làm công tác đấu tranh chống buôn lậu.
Tổng cục Hải quan làm tốt công tác nghiệp vụ, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm tại địa bàn khu vực cửa khẩu đường bộ, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, khu vực cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế, đường sắt liên vận quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan.
Cụ thể, với Tổng cục Hải quan, cần kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập.
Đồng thời, tổ chức đấu tranh, bắt giữ và xử lý đối với mặt hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa.
Với Tổng cục Thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, việc sử dụng, quản lý, lưu giữ hoá đơn và hồ sơ mua bán hàng hoá có nguồn gốc nhập khẩu, thu gom hàng hoá cư dân biên giới của các hộ, cá nhân kinh doanh khu vực cửa khẩu, biên giới, vùng biển có diễn biến phức tạp để ngăn chặn sử dụng hoá đơn hợp thức hoá hàng nhập lậu, đặc biệt là đối với các tỉnh, địa bàn trọng điểm.
Triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng in, phát hành mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
Tăng cường công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán hàng tiêu dùng để chủ động nắm diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa.
Kịp thời phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng khác xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt lưu ý đối với các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 cũng như các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp…
Dự báo những vấn đề phát sinh, gây bất ổn thị trường nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
“Đề xuất các giải pháp xử lý đối với những tình huống xảy ra để báo cáo Ban Chỉ đạo 389 địa phương có chỉ đạo cụ thể và kịp thời, nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Tổng cục Thuế cũng cần kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế.
Kiểm tra việc niêm yết và bán theo giá niêm yết tại các chợ, các trung tâm thương mại, các cửa hàng... phối hợp kiểm tra phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyến hàng hóa trên đường không có hóa đơn, chứng từ hoặc các trường hợp quay vòng hóa đơn.
Các đơn vị còn lại thuộc Bộ như Thanh tra, Vụ Chính sách Thuế, Vụ Pháp chế, Cục Quản lý giá,... căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp kịp thời với Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế để hỗ trợ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.