Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Việt Nam có cơ hội thành cường quốc về an ninh mạng"
"Hacker mũ trắng và mũ đen như là một biểu tượng giữa cái thiện và cái ác"
"Nếu chúng ta có một khát vọng lớn lao về việc trở thành người đứng đầu thế giới về an ninh mạng thì Việt Nam có có hội thành cường quốc về an ninh mạng" - lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ trao giải vòng chung kết cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu (WhiteHat Grand Prix 2018) tối 1/11, tại Hà Nội.
WhiteHat Grand Prix – cuộc thi thường niên dành cho các "hacker mũ trắng" – là những người bảo vệ hệ thống mạng công nghệ, những người yêu thích an ninh mạng theo hướng tích cực, từ đó tìm ra các lỗ hổng, nguy cơ để khắc phục, phòng ngừa, đảm bảo an ninh mạng máy tính. Sự kiện do Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp cùng Diễn đàn an ninh mạng Việt Nam WhiteHat.vn tổ chức.
Tại lễ trao giải, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gọi các hacker mũ trắng giống như những chiến binh giỏi của thời đại, là những chiến binh bảo vệ hòa bình thế giới, cũng giống như lực lượng gìn giữ hòa bình trong thế giới thực.
Hiện mỗi phút trên toàn cầu có khoảng 10 nghìn cuộc tấn công mạng, theo ông Hùng, thực ra thế giới của chúng ta đang nằm trong cuộc chiến tranh mạng rồi. Trong khi, theo ông, sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào Internet nhưng Internet thì lại không an toàn. Làm cho Internet an toàn hơn tức là làm cho thế giới thịnh vượng hơn. Vậy nên, đội ngũ hacker mũ trắng đang làm cho thế giới thịnh vượng hơn, làm cho quốc gia của mỗi chúng ta thịnh vượng hơn. Hacker mũ trắng đang là những người thúc đẩy sự thịnh vượng của loài người, của thế giới.
"Nên nhìn câu chuyện với ý nghĩa lớn lao hơn để hành động lớn lao hơn. Hacker mũ trắng và mũ đen như là một biểu tượng giữa cái thiện và cái ác, là biểu tượng của cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Những người mũ trắng đại diện cho cái thiện", ông nói.
Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng, chúng ta sống trong không gian mạng của thế giới ảo khoảng chục năm, còn rất ít kinh nghiệm, rất ít hệ thống pháp luật, rất ít hệ thống chính quyền, rất khác với thế giới thực đã có hàng nghìn năm kinh nghiệm. Nên hacker mũ trắng chính là những người tạo ra thế giới ảo an toàn như trong thế giới thật. Đây là sứ mệnh lịch sử trao cho những người làm an ninh mạng hay là hacker mũ trắng.
Ông cũng cho rằng, người trẻ đang sống trong một môi trường thay đổi rất nhanh, và vì rất nhanh nên càng cần phải giữ một cái bất biến. Muốn đi nhanh thì phải dựa vào một cái ổn định. Nó giống như cái bánh xe, nếu muốn quay rất nhanh thì trục của nó phải đứng im. Nếu trục chuyển động thì chắc chắn cái xe sẽ đổ.
Cái bất biến đấy, theo ông, là khát vọng vì một thế giới tốt đẹp hơn, thế giới trong không gian mạng tốt đẹp hơn. Khát vọng đưa dân tộc mình hùng cường. Riêng về không gian mạng thì chúng ta sẽ phải đi một hành trình rất xa và còn rất xa. Càng đi xa bao nhiêu thì càng phải về gần bấy nhiêu. Về cái gốc. Giữ cái gốc. Cái gốc đó là văn hóa của dân tộc mình, giá trị đạo đức của xã hội và chúng ta giữ cái gốc đấy để đi xa hơn.
"Thế giới thực thì 5.000 tuổi, còn thế ảo thì có khoảng 10 tuổi. Hãy tưởng tượng 4990 năm trước đây, xã hội thực của ta thô sơ như thế nào thì thế giới ảo bây giờ cũng thô sơ như vậy - như thế giới thực cách đây 4990 năm. Vì thế đây là cơ hội vô cùng lớn cho những người đi đầu trong an ninh mạng và không gian mạng.
Nếu hiểu được điều đấy, thấy được cơ hội lớn, thì có thể thay đổi được rất nhiều thứ, có thể biến dân tộc mình thành dân tộc vĩ đại, biến quốc gia mình thành một cường quốc. Và Việt Nam có cơ hội để trở thành một cường quốc về an ninh mạng", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chia sẻ.
Ông cũng cho biết, để sự kiện WhiteHat Grand Prix đi vào chiều sâu và "sống thực" hơn, năm sau các thí sinh hacker mũ trắng sẽ được tấn công vào các hệ thống thực. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chọn ra một số hệ thống vào loại an toàn số 1 tại Việt Nam để các thí sinh có thể tấn công thực nghiệm, khi đó cuộc thi mới trở thành một thách thức thực sự với các hacker mũ trắng.
Vòng chung kết cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu (WhiteHat Grand Prix 2018) diễn ra từ sáng 1/11. Sau 8 tiếng đua tranh quyết liệt giữa 10 đội thi đến từ 6 nước, giải nhất trị giá 230 triệu đồng (tương đương 10.000 USD) cuộc thi đã thuộc về đội LC1BC của Nga. Hai đội coconutCoffee (Hàn Quốc) và p4team (Ba Lan) đạt giải nhì và giải ba. Vị trí của 3 đội Việt Nam Injoker10K, ACEBEAR và r3s0L lần lượt là thứ 5, 6 và 8.