Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Chấn chỉnh thị trường bảo hiểm, tránh thua thiệt cho người mua
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Quốc hội sáng 1/6. Trước đó, đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhất là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư; chấn chỉnh hoạt động của các đại lý bảo hiểm...
Về quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết vừa qua có những tồn tại như liên kết giữa ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài, chưa rõ ràng, người mua bị thua thiệt khi khiếu kiện.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đã kiểm tra và xử lý nghiêm những ngân hàng và công ty bảo hiểm vi phạm. Bộ Tài chính cũng đang tham mưu xây dựng nghị định và xây dựng thông tư để thực hiện Luật kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên; quy định gói định mức tối đa chi thưởng, quy định các vấn đề về chi đại lý, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết thêm, trong thời gian qua thị trường bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng nhanh về lượng nhưng chưa có sự phát triển tương xứng về chất lượng.
Đến hết tháng 4/2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 849.400 tỷ đồng, tăng 14,18% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 708.400 tỷ đồng, tăng 14,41% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 4 tháng đầu năm nay ước đạt 75.300 tỷ đồng, tăng 1,12%; trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 23.500 tỷ đồng, tăng 20,71% so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng tăng cường nhiều giải pháp để chấn chỉnh những điểm còn tồn tại trong khai thác các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung và kênh bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) nói riêng.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chú trọng vào đào tạo đại lý theo hướng làm sao để bán được sản phẩm. Điều đó có nghĩa là đào tạo thiên lệch về kỹ năng bán hàng, hơn là chú trọng kiến thức kinh tế nền, kiến thức chuyên môn bảo hiểm, cũng như đạo đức nghề nghiệp.
Mặt khác, một số doanh nghiệp bảo hiểm chú trọng nhiều hơn tới doanh thu, lợi nhuận đại lý thu về, lơ là việc kiểm soát, giám sát hoạt động, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của đại lý.
Đại lý bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn, chưa tư vấn đầy đủ, khách quan, nhất là các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Mặt khác, không ít khách hàng chưa quan tâm tìm hiểu kỹ, còn tâm lý cả tin, cả nể khi ký hợp đồng bảo hiểm nên đã ảnh hưởng tới chất lượng phát triển chung của thị trường bảo hiểm.
Do vậy, đây là vấn đề thị trường phải thực sự thay đổi một cách mạnh mẽ. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải nâng cao nhận thức, rà soát lại, có giải pháp để nâng cao chất lượng đại lý. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ chấn chỉnh và xử lý thật nghiêm các doanh nghiệp bảo hiểm để xảy ra sai phạm.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu lớn đề ra, thị trường bảo hiểm vẫn còn nhiều thách thức cần hoàn thiện và xứng tầm hơn với tiềm năng lợi thế của Việt Nam như chất lượng nhân lực, cơ sở dữ liệu thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường quản trị rủi ro và tính minh bạch của các doanh nghiệp bảo hiểm...
Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp.
Mặt khác, cơ quan quản lý tiếp tục yêu cầu rà soát, tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động và xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật.
Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm, cần rà soát lại các sản phẩm bảo hiểm, đơn giản quy tắc, điều khoản, tăng cường việc công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm bảo hiểm và hoạt động của mình. Doanh nghiệp bảo hiểm phải rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng thời, thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng đào tạo các đại lý để tăng chất lượng tư vấn và dịch vụ khách hàng.