Bộ Y tế: Nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè tăng cao
Theo Bộ Y tế, cùng với điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều và đang trong dịp cao điểm du lịch hè 2024, nhu cầu giao thương, du lịch lớn, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè tăng cao, nhất là với sởi, một số bệnh dự phòng bằng vaccine, đặc biệt là sốt xuất huyết đã bắt đầu vào mùa cao điểm...
Trước tình hình dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã ký ban hành công điện về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè năm 2024 gửi các tỉnh, thành phố.
Nội dung công điện cho biết theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, hiện nay một số dịch bệnh lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đang có xu hướng gia tăng. Đồng thời cũng ghi nhận rải rác các trường hợp mắc một số bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine.
Trên phạm vi cả nước, hiện đang trong giai đoạn thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều. Hơn nữa, đang trong dịp cao điểm du lịch hè 2024 với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè tăng cao, nhất là với sởi, một số bệnh dự phòng bằng vaccine và sốt xuất huyết (đã bắt đầu vào giai đoạn cao điểm).
Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè năm 2024, Bộ Y tế đề nghị các địa phương phối hợp với ngành y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong giai đoạn mùa hè. Chỉ đạo tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, đơn vị về công tác - phòng, chống dịch trên địa bàn.
Các Sở Y tế và các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh.
Y tế tại các địa phương cũng cần thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Đặc biệt rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi. Vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vaccine phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.
Cùng với đó, cần đảm bảo tổ chức tốt thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về các biện pháp phòng lây nhiễm cho bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân.
Riêng với dịch sốt xuất huyết, cần tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy" tại hộ gia đình; thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…
Cũng tại công điện, Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát, đảm bảo sẵn sàng công tác hậu cần, thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.
Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh, tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc người mắc bệnh.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với ngành y tế hướng dẫn và tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ; thực hiện tốt truyền thông học đường về phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng bệnh và công tác y tế trường học để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp giữa ngành y tế, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương các cấp để triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dại và các bệnh lây truyền từ động vật sang người…