Cách tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước để đi khám chữa bệnh
Sau khi tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế vào thẻ căn cước, người dân có thể linh hoạt sử dụng thẻ căn cước để đi khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện các thủ tục về bảo hiểm y tế...
Theo quy định tại Điều 22 Luật Căn cước, thông tin thẻ bảo hiểm y tế sẽ được tích hợp vào thẻ căn cước cấp từ ngày 1/7/2024 theo đề nghị của công dân. Nhiều người lao động thắc mắc về quy trình, thủ tục khi muốn tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào thẻ căn cước thực hiện ra sao.
Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tư, Phó trưởng phòng Quản lý thu và Phát triển đối tượng tự đóng (Ban quản lý thu - sổ, thẻ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam), cho biết từ ngày 8/3/2022, Bộ Công an đã phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai đồng bộ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư căn cứ theo Quyết định số 1911/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, thông tin thẻ bảo hiểm y tế đã có thể được tích hợp vào thẻ căn cước công dân gắn chip. Người dân sau khi được tích hợp thông tin, có thể sử dụng căn cước công dân để thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế giấy truyền thống khi đi khám chữa bệnh, tại các cơ sở y tế hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
Để tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào thẻ căn cước công dân gắn chip, đối với trường hợp người dân đã có thẻ căn cước công dân nhưng chưa tích hợp có thể thực hiện theo các cách sau:
Đến cơ quan Bảo hiểm xã hội: Đây là cách tích hợp thông tin bảo hiểm y tế vào căn cước công dân phổ biến nhất. Người dân chỉ cần mang theo căn cước công dân và thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực đến cơ quan Bảo hiểm xã hội gần nhất để yêu cầu tích hợp. Sau khi tích hợp xong, sẽ được nhận lại căn cước công dân có tích hợp thông tin bảo hiểm y tế.
Tích hợp thông tin bảo hiểm y tế trực tuyến: Người dân có thể thực hiện tích hợp thông tin bảo hiểm y tế vào căn cước công dân gắn chip trực tuyến trên webiste Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bằng chức năng thay đổi số căn cước công dân trên ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số.
Cách này được áp dụng trong trường hợp người dân đã đăng ký sử dụng ứng dụng VssID, trước khi có thẻ căn cước công dân gắn chip 12 số.
Sau khi người dân cập nhật thành công thông tin thẻ căn cước công dân gắn chip lên hệ thống, thì dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế sẽ được tự động tích hợp vào căn cươc công dân gắn chip. Lúc này, người dân có thể sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên căn cước công dân gắn chip khi đi khám chữa bệnh.
Tích hợp thông tin bảo hiểm y tế qua ứng dụng VssID: Người lao động có thể sử dụng ứng dụng VssID để tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước công dân gắn chip trong trường hợp người dân đã có thẻ căn cước công dân gắn chip 12 số, và chưa đăng ký sử dụng VssID.
Theo đó, khi đăng ký tài khoản sử dụng VssID bằng thẻ căn cước công dân gắn chip, thì thẻ bảo hiểm y tế của cá nhân sẽ được tự động tích hợp vào căn cước công dân của cá nhân đó.
“Việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin, hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác”, ông Nguyễn Xuân Tư cho biết.
Như vậy, từ ngày 1/7/2024, thẻ bảo hiểm y tế của người dân được tích hợp vào thẻ căn cước khi có nhu cầu, hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Sau khi tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế vào thẻ căn cước theo quy định, người dân có thể linh hoạt sử dụng thẻ căn cước để khám, chữa bệnh và thực hiện các thủ tục về bảo hiểm y tế, hoặc xuất trình thẻ bảo hiểm y tế như trước đây vẫn có giá trị để khám, chữa bệnh.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy đến nay, toàn quốc đã có 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip, với trên 92 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip thành công, phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh.
Với việc triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân, người bệnh có bảo hiểm y tế chỉ cần sử dụng căn cước công dân để làm thủ tục khám chữa bệnh, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian. Cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ bảo hiểm y tế.