Cần giải pháp “trợ thở” cho doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu
Nhận định về thị trường trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng khó khăn còn kéo dài. Nếu không có biện pháp “trợ thở” cho doanh nghiệp thì khó có thể đạt được mục tiêu cho năm nay và cho cả chu kỳ 5 năm, 10 năm tiếp theo…
Ba tháng đầu năm 2023, xuất nhập khẩu ghi nhận mức giảm 11,8% so với cùng kỳ, đạt 79,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu giảm 15,4%, đạt 74,5 tỷ USD.
Dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản là những ngành sụt giảm nhiều nhất dù có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU… Cao su, gạo, rau quả, hạt điều... có thị trường xuất khẩu chính là châu Á dù ít chịu tác động hơn, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ.
BÁO ĐỘNG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Thông tin trên được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), báo cáo tại hội nghị "Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu", được tổ chức ngày 25/4/2023, tại TP.HCM.
Theo đó, những tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là thị trường châu Mỹ giảm 19,4% so với cùng kỳ, đạt 24,6 tỷ USD; tiếp đến là thị trường châu Phi giảm 11,2%; thị trường châu Âu giảm 9,7%; thị trường châu Á giảm 7,3% và châu Đại Dương giảm 3,7%.
Những nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất là nhóm hàng công nghiệp giảm 12,7% so với cùng kỳ, đạt 67,8 tỷ USD; nhóm nông, thủy sản giảm 7,8%, đạt 6,8 tỷ USD; nhóm nhiên liệu và khoáng sản giảm 1,6%, đạt 1,03 tỷ USD.
Một số ngành hàng chủ lực cũng có kim ngạch xuất khẩu giảm, như: xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 12,2%, đạt 13,4 tỷ USD; điện tử, máy vi tính và linh kiện giảm 9,3%, đạt 12 tỷ USD. Xuất khẩu hàng may mặc giảm 17,7%, đạt 7,2 tỷ USD; xơ sợi dệt giảm 35%, đạt 941 triệu USD; vải mành, vải kỹ thuật đạt 178 triệu USD.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là do yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu.
Yếu tố hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại: Một số ngành hàng như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Yếu tố cạnh tranh trên thị trường ảnh hưởng đến giá hàng hoá xuất khẩu.
Bộ Công Thương
Ngoài ra, chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro. Chi phí nhân công, bao bì, vận chuyển,... cũng tăng cao.
Nguyên nhân chủ quan là vấn đề nguồn nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu. Khả năng đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước đang là khó khăn của một số ngành xuất khẩu chủ lực như mặt hàng gỗ, mặt hàng thuỷ sản, mặt hàng hạt điều. Chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giúp đảm bảo nguồn cung ổn định, cùng mức giá cạnh tranh cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
CẦN GIẢM VÀ HỖ TRỢ LÃI VAY
Theo nhiều doanh nghiệp, khó khăn hiện nay không khác gì thời Covid-19 bùng phát mạnh. Cùng với lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng các nước thắt chặt chi tiêu, chi phí nguyên vật liệu cũng tăng mạnh… Bên cạnh đó, dòng tiền chậm về trong khi rất nhiều nguồn vay ngân hàng đến hạn phải trả, nhiều doanh nghiệp không có tiền thu mua nguyên liệu.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% trong 3 tháng đầu năm nay, mức giảm tương đương trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nặng nhất. Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn.
Do đó, ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, để nông ngư dân duy trì sản xuất.
Ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết thêm, các ngành xuất khẩu chủ yếu vay USD, trước đây, lãi suất vay USD khoảng 2,1-2,3%/năm thì giờ đã lên đến trên 4%/năm. Do đó, đại diện VASEP kiến nghị cần giảm lãi suất vay USD để dòng tiền không bị nghẽn.
Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may cũng trong tình trạng thiếu dòng tiền, không có tiền trả lương cho người lao động. Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), kiến nghị cần có gói vay ưu lãi suất 0% giúp doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Nhà nước cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 2% cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh (như trường hợp Bangladesh đang làm).
“Để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành dệt may đang cần các dự án xanh hóa, như: giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo... chuyển đổi số trong ngành dệt may... Ngành cần hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia trong việc thực hiện này”, ông Tùng đề xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên coi sản phẩm trồng trên đất là tài sản để được thế chấp, vay vốn, như: sầu riêng, nhãn…
“Đối với sầu riêng mỗi năm người dân phải đầu tư khoảng 50 triệu/ha…. nhưng lại không được coi là tài sản để thế chấp", ông Nguyễn Đình Tùng nói.
Ghi nhận ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết người sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp trong nước đang chịu sự tác động nhiều nhất từ các “luật chơi mới” trong thương mại toàn cầu, như: các rào cản kỹ thuật về chuyển đổi năng lượng xanh sạch, sản xuất carbon thấp… của một số nước phát triển đã dựng lên.
Mặc dù, Việt Nam đã ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương nhằm thuận lợi hóa thương mại, để thúc đẩy sản xuất trong nước. Tất cả những chính sách trên mới nghe có vẻ rất nhân văn, nhưng đây là "luật chơi mới" trong cuộc đua không cân sức, bởi những nước phát triển đã đi trước chúng ta rất xa, có điều kiện hơn chúng ta rất nhiều.
“Nếu chúng ta không kịp thời tìm những giải pháp để tháo gỡ thì khó có thể đạt được mục tiêu cho năm nay và cho cả chu kỳ 5 năm, 10 năm tiếp theo”, Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.