Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đứng đầu về lưu lượng xe, nhiều thời điểm quá tải
Nửa đầu năm 2024, vượt qua tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đạt 11,68 triệu lượt xe, giữ vị trí đứng đầu về lưu lượng trong 4 tuyến mà VEC đầu tư, quản lý. Đây cũng là tuyến cao tốc dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng...
Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa thông tin về kết quả công tác khai thác, vận hành các tuyến cao tốc do VEC đầu tư, quản lý trong 6 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, nửa đầu năm 2024, lưu lượng phương tiện trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý, vận hành khai thác bao gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, với 33,78 triệu lượt xe thông qua, tăng 13,08% so với cùng kỳ năm trước.
Qua thống kê, hai tuyến cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Cầu Giẽ - Ninh Bình có lưu lượng xe thông qua rất cao, trên 11 triệu lượt.
"Vượt qua tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đạt 11,68 triệu lượt xe, giữ vị trí cao nhất về lưu lượng. Đây cũng là tuyến cao tốc tăng trưởng ấn tượng nhất trong các tuyến của VEC trong 6 tháng đầu năm, với 18,53% so với năm 2023", đại diện VEC nêu rõ.
Hai tuyến còn lại, tuyến Nội Bài - Lào Cai và tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi có lưu lượng xe thông qua lần lượt là 9,23 triệu lượt và 1,4 triệu lượt.
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến tiếp tục được tăng cường và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị vận hành khai thác và lực lượng chức năng.
Qua rà soát, 04 tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác giảm sâu cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm ngoái: 19 vụ va chạm, 2 tai nạn và 39 người bị thương; không có thương vong và không thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.
Cũng theo đại diện VEC, trong 6 tháng đầu năm nay, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vẫn còn xảy ra tình trạng ùn ứ nhẹ vào các dịp lễ và ngày cuối tuần do lưu lượng tăng cao cục bộ.
"Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên ùn ứ giao thông, đặc biệt là đoạn từ Km12+000 đến Km23+000 hướng Long Thành đi TP. HCM và Km4+000 đến Km12+000 hướng TP. HCM đi Long Thành", VEC thông tin.
Ngoài lưu lượng tăng đột biến vào các ngày cuối tuần, lễ tết, tình trạng ùn ứ trên tuyến cao tốc này còn xuất phát từ sự cố, va chạm, hư hỏng xe trên cầu Long Thành.
Trong cuộc họp cuối tháng 5/2024 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng việc mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành là vấn đề cấp thiết, bảo đảm đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Được biết, dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 đưa vào khai thác từ ngày 30/6/2016 với tổng chiều dài 55 km, trong đó phân đoạn TP.HCM - Long Thành là 25,92 km.
Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường liên tục tăng cao, trung bình khoảng 10,45%/năm, đến nay, tuyến đường trong tình trạng mãn tải.
Đặc biệt, đoạn TP.HCM - Long Thành vượt giới hạn năng lực thông hành mặt cắt ngang 4 làn xe 25% và sẽ không thể đáp ứng được khả năng thông hành khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đưa vào khai thác sử dụng dự kiến năm 2026.
Hiện VEC đã nghiên cứu, đề xuất mở rộng đoạn từ nút giao đường vành đai 2 TP.HCM đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km4 đến Km25+920) với quy mô 8 làn xe, bảo đảm khả năng mở rộng lên 10 làn xe.
Bên cạnh đó, vẫn còn trên 320 nghìn phương tiện hết tiền trong tài khoản thu phí ETC lưu thông trên các tuyến cao tốc của VEC 6 tháng đầu năm, làm giảm tốc độ lưu thông của phương tiện, gây ùn ứ và mất an toàn giao thông khi qua trạm thu phí.
Đại diện VEC cho biết thêm thực hiện Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội, vừa qua, tổng công ty tiếp tục kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng mức giá dịch vụ sử dụng 04 tuyến đường cao tốc hiện đang quản lý khai thác kể từ ngày 01/7 đến hết ngày 31/12/2024.