Châu Âu vẫn "sống khoẻ" mà không cần khí đốt Nga?
"Châu Âu sẽ không có nguy cơ gặp vấn đề nào về khí đốt trong mùa đông này, ngay cả khi nguồn cung cấp từ Nga bị cắt hoàn toàn”, bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - khẳng định mới đây...
Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên đáng tin cậy cho châu Âu trong nhiều thập kỷ qua và các chuyên gia cũng khẳng định, châu Âu sẽ không thể tồn tại dù chỉ hai tháng nếu không có nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Bởi các nước châu Âu chỉ có lượng dự trữ khí đốt dùng trong một tháng rưỡi đến hai tháng.
Trong trường hợp bị trừng phạt cứng rắn và từ chối cung cấp khí đốt từ Nga, châu lục Âu có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải là châu Âu không có những nguồn cung năng lượng thay thế nếu không thể tiếp tục mua khí đốt từ Nga - theo tờ báo Anh Telegraph.
CHÂU ÂU TĂNG NHẬP KHẨU LNG TỪ CÁC NƯỚC ĐỂ THAY THẾ LƯỢNG KHÍ ĐỐT CỦA NGA
Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan điểm về chủ đề khí đốt được nhiều người quan tâm. Bà Ursula von der Leyen Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) chia sẻ: “Khí đốt chiếm khoảng 24% cán cân năng lượng của Liên minh châu Âu. EU nhập khẩu 90% nhiên liệu từ bên ngoài và khoảng 40% trong số đó đến từ Nga. Đây là một sự phụ thuộc hữu hình mà Ủy ban châu Âu cần phải loại bỏ”.
Bà von der Leyen cũng cho biết, EU đã liên hệ với một số nhà cung cấp LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) trong bối cảnh giá khí đốt tăng mạnh, trong số đó có cả Mỹ để tăng lượng mua. Theo bà, EU có thể thay thế lượng khí đốt mua từ của Nga bằng cách nhập khẩu LNG từ các nước khác.
"Châu Âu sẽ không có nguy cơ gặp vấn đề nào về khí đốt trong mùa đông này, ngay cả khi nguồn cung cấp từ Nga bị cắt hoàn toàn”, bà von der Leyen khẳng định.
Dữ liệu từ Refinitiv cho thấy, vào tháng 12/2021 và tháng 1/2022, châu Âu trở thành điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu LNG của Mỹ. Trong tháng 1/2022, các chuyến hàng từ Mỹ đến châu Âu đạt 2/3 tổng lượng LNG xuất khẩu của Mỹ. Trước đó một tháng, con số này là khoảng 61%.
Trong tháng 1/2022, xuất khẩu LNG của Mỹ đạt mức cao kỷ lục 7,3 triệu tấn, bao gồm 13 tàu chở LNG chưa xác định được điểm đến cuối cùng. Về phía châu Âu, tháng trước cũng đã nhập khẩu khối lượng LNG lớn nhất trong lịch sử- 11,8 tỷ mét khối và 45% khối lượng này đến từ Mỹ.
Tuy nhiên, bất chấp khối lượng vận chuyển LNG kỷ lục từ Mỹ đến thị trường châu Âu, Washington cũng vẫn chưa thể đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt liên tục và an ninh năng lượng cho các nước châu Âu nếu nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bị cắt hoàn toàn.
Chính quyền Mỹ nhận thức được rằng việc từ chối khí đốt của Nga sẽ là một thảm họa đối với nền kinh tế của các nước châu Âu, vốn đã chìm vào khủng hoảng năng lượng.
LIỆU LNG CỦA MỸ VÀ MỘT SỐ NƯỚC CÓ ĐẨY GAZPROM RA KHỎI CHÂU ÂU?
Na Uy và Algeria lần lượt là nhà cung cấp đường ống dẫn khí đốt lớn thứ hai và thứ ba cho châu Âu sau Nga, nhưng hai nước này cũng không đủ nguồn cung sang châu Âu. Vì vậy, Mỹ đang chuyển sang các nước sản xuất hoặc nhập khẩu LNG lớn để được hỗ trợ.
Trong số các đó Qatar mang nhiều tiềm năng. Quốc gia này cùng với Mỹ và Australia là một trong ba nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Mỹ thậm chí đã chỉ định Qatar là đồng minh chiến lược quan trọng nhất ngoài NATO để thúc đẩy nguồn cung cấp LNG sang châu Âu.
Ngay khi có thông tin Mỹ muốn Quatar cung cấp LNG, các chuyên gia đã lập tức đưa ra nhận định Qatar không thể thay thế Nga.
Giám đốc Viện Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên Trung Đông Laury Haytayan- một chuyên gia về dầu khí đã chia sẻ: “Liên minh châu Âu khó có thể tin tưởng vào Qatar để thay thế nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng đây cũng là một giải pháp không tồi.”
Bà cũng giải thích lý do cho điều này, bởi hiện tại 90- 95% doanh số bán khí đốt của Qatar có liên quan đến các hợp đồng dài hạn. Vì vậy Quatar sẽ khó từ bỏ nghĩa vụ và chuyển hướng khí đốt sang châu Âu. Giám đốc Viện Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên Trung Đông cũng nói thêm rằng, LNG từ Quatar chắc chắn sẽ có giá cao hơn nhiều so với khí đốt đường ống và điều này sẽ khiến người mua phải suy nghĩ thêm.
Hiện nay liên minh châu Âu đang cố gắng thực hiện kế hoạch loại bỏ sự phụ thuộc của mình vào nguồn khí đốt từ Nga. Nếu kế hoạch này thành công sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn đối với vị trí của Nga trên thị trường khí đốt.