Chi tiêu mạnh khi mở cửa trở lại, người Mỹ đang nợ nhiều chưa từng thấy
Các hộ gia đình ở Mỹ đang nợ nần nhiều chưa từng thấy, do giá nhà và giá ô tô cùng tăng mạnh, và chi tiêu thẻ tín dụng gia tăng khi số ca nhiễm mới Covid ở nước này tiếp tục giảm xuống...
Trang CNN Business dẫn một báo cáo từ chi nhánh New York của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết trong quý 3 năm nay, tổng nợ của hộ gia đình ở Mỹ tăng thêm 286 tỷ USD so với quý 2, tương đương tăng 1,9%, lập kỷ lục mới 15,24 nghìn tỷ USD.
“Khi không còn các chương trình hỗ trợ kinh tế của Chính phủ trong đại dịch Covid-19, chúng ta bắt dầu chứng kiến sự đảo ngược của một số xu hướng trong dư nợ thẻ tín dụng”, nhà nghiên cứu Donghoon Lee thuộc Fed New York phát biểu. Chẳng hạn, trong giai đoạn căng thẳng của đại dịch, người Mỹ có xu hướng hạn chế chi tiêu để trả bớt nợ nần, nhưng hiện nay thì ngược lại, họ vay nhiều hơn để chi tiêu.
Ở thời điểm hiện tại, những tấm séc kích cầu mà Chính phủ Mỹ dành cho người dân đã không còn. Thực tế này buộc người Mỹ phải quay trở lại với thói quen cũ là chi tiêu bằng thẻ tín dụng. Trong quý 3, dư nợ thẻ tín dụng của người Mỹ tăng thêm 17 tỷ USD, tương tự mức tăng của quý 2, nhưng vẫn thấp hơn 123 tỷ USD so với mức dư nợ vào cuối 2019 – lúc trước khi Covid-19 trở thành đại dịch.
Nợ vay thế chấp nhà, phần lớn nhất trong tổng nợ của các hộ gia đình ở Mỹ, tăng 230 tỷ USD trong quý 3, lên mức 10,67 nghìn tỷ USD. Nợ vay mua xe và nợ sinh viên cũng tăng, với mức tăng tương ứng là 28 tỷ USD và 14 tỷ USD.
Dù nợ thẻ tín dụng chưa quay trở lại mức trước đại dịch, tổng nợ của hộ gia đình Mỹ đang cao hơn 1,1 nghìn tỷ USD so với thời điểm cuối năm 2019.
Người Mỹ mạnh tay chi tiêu ngay cả khi lạm phát không ngừng leo thang. Giới chuyên gia lý giải rằng đó chủ yếu là do người Mỹ có khả năng để chi tiêu như vậy. Với thị trường việc làm tiếp tục hồi phục và tình trạng khan hiếm lao động đẩy tiền lương tăng, ví tiền của người Mỹ đang đầy trước kỷ nghỉ lễ Giáng sinh và đón năm mới.
Đây là một tin tốt, bởi mọi thứ ở Mỹ đều đang trở nên đắt đỏ hơn.
Lạm phát ở nước này đang cao nhất trong nhiều năm do gián đoạn chuỗi cung ứng đẩy cao chi phí vận chuyển và nguyên vật liệu thô. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng cũng đang tăng bugf nổ.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ ngày 10/11 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của nước này tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất trong 3 thập kỷ. Nếu so với tháng 9, CPI tăng 0,9%, so với mức dự báo tăng 0,6% mà giới phân tích đưa ra.
Trước đó, báo cáo ngày 9/11 cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 10 của tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,6% so với tháng trước. Sau một thời gian cố gánh phần chi phí gia tăng, các doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu phải đẩy bớt chi phí về phía người tiêu dùng.