Chính sách Zero Covid của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?
Sự phục hồi tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ gặp khó khăn trong các tháng tiếp theo do chính sách Zero Covid của đại lục này...
Trong khi các nước trên thế giới đã nới lỏng chính sách kiểm soát dịch bệnh thì Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách Zero-Covid với các đợt phong tỏa kéo dài tại nhiều khu vực như Giang Tô, Cát Lâm, Quảng Đông, Thiểm Thiểm Tây và Thượng Hải – những khu vực đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa.
Chỉ số phong tỏa do Goldman Sachs tính toán (GS Effective Lockdown Index – ELI) dựa trên số liệu về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và dữ liệu di chuyển thực tế, theo trọng số PPP GDP cho thấy đợt phong tỏa hiện tại tại Trung Quốc nghiêm ngặt hơn cả thời điểm phong tỏa vào tháng 2/2020.
Tác động đầu tiên là hoạt động vận tải hàng hóa và hàng hóa ứ đọng tại các cảng nằm trong khu vực phong tỏa. Cảng Thượng Hải - cảng container lớn nhất thế giới, vẫn duy trì hoạt động trong thời gian Thượng Hải bị phong tỏa hơn 1 tháng.
Mặc dù thời gian chờ để bốc dỡ hàng hóa vẫn ngắn hơn so với các đợt phong tỏa trước đây, Maersk – một trong những công ty vận chuyển container lớn nhất thế giới, cho biết trong báo cáo cập nhật mới đây, việc gián đoạn hoạt động sản xuất và vận tải đường bộ liên tỉnh đang dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và đẩy chi phí vận chuyển lên cao.
Theo số liệu mới nhất của Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số quản trị mua hàng trong tháng 4/2022 đã giảm xuống còn 47,4 điểm, đánh dấu mức giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Ngoài ra, chỉ số PMI phi sản xuất dùng để đo lường hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ cũng giảm mạnh, từ mức 48,4 điểm trong tháng 3/2022 còn 41,9 điểm. Đây đều là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 2/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 vừa mới bắt đầu.
Cũng theo Goldman Sachs, chuỗi cung ứng của các ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất trong đợt phong tỏa gần đây là hóa chất, phương tiện vận tải và sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, rủi ro phong tỏa kéo dài sẽ tác động lên việc sản xuất và vận chuyển thêm nhiều mặt hàng khác nữa.
Các nhà quan sát Trung Quốc nhận định chính sách phong tỏa có thể sẽ chưa được nới lỏng cho đến giữa tháng 5/2022 hoặc thậm chí là tháng 6/2022 do nhà điều hành vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu “zero-Covid”.
Đánh giá tác động của chính sách zero-Covid của Trung Quốc đối với Việt Nam, VDSC nhìn nhận sẽ có ảnh hưởng ở hai khía cạnh.
Thứ nhất, Trung Quốc là nước cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất lớn nhất cho Việt Nam, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc chiếm hơn 33% tổng nhập khẩu (2021). Việc gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách phong tỏa từng phần tại Trung Quốc nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng nhập nguyên liệu, làm chậm trễ thời gian giao hàng từ đó ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất trong nước.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất có thể chậm lại trong thời gian tới nếu phong tỏa kéo dài tại Trung Quốc. Đổi lại, mức nền thấp của năm trước và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước, cơ hội thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm vẫn đang là cơ sở để tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu của Chính phủ.
Thứ hai, Việt Nam xuất khẩu khoảng 17% lượng hàng hóa sang Trung Quốc (2021), việc nhiều tổ chức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ còn khoảng 4,5% so với mức mục tiêu là 5,5% hàm ý nhu cầu tiêu dùng của thị trường lớn này sẽ suy giảm. Theo đó, sự phục hồi tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ gặp khó khăn trong các tháng tiếp theo.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,1 tỷ USD trong 4 tháng năm 2022. Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu 19,1 tỷ USD sang Trung Quốc. Nhập siêu từ Trung Quốc 18 tỷ USD, tăng 2%.
Các mặt hàng Việt Nam nhập nhiều từ Trung Quốc như Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Máy móc thiết bị dụng cụ; Bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy; Điện thoại các loại và linh kiện; Ô tô nguyên chiếc các loại...