Chứng khoán Mỹ giằng co vì cổ phiếu Nvidia bị xả mạnh, giá dầu tăng
Tuần này, sự chú ý của nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall sẽ hướng tới các số liệu kinh tế Mỹ, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng...
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai (24/6) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, khi cổ phiếu chip Nvidia bị chốt lời mạnh sau đợt tăng cao gần đây và nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước loạt số liệu kinh tế Mỹ quan trọng dự kiến công bố trong tuần này. Giá dầu thô tăng khá mạnh và đang tiến gần tới hoàn tất một tháng tăng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 260,88 điểm, tương đương tăng 0,67%, đạt 39.411,21 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,31%, còn 5.447,87 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,09%, còn 17.496,82 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 4.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, công nghệ là nhóm giảm mạnh nhất phiên này, với mức giảm hơn 2%. Trái lại, nhóm năng lượng tăng 2,7%, hai nhóm tài chính và tiện ích đều tăng khoảng 1%. Điều này cho thấy nhà đầu tư dịch chuyển khỏi cổ phiếu công nghệ để mua các nhóm cổ phiếu khác. Trong đó, các cổ phiếu blue-chip được mua nhiều, giúp Dow Jones có một phiên tăng điểm khá mạnh trong khi hai chỉ số lớn còn lại tụt điểm.
Cổ phiếu ngân hàng JPMorgan Chase, một thành viên của Dow Jones tăng 1,3%; hai cổ phiếu khác trong chỉ số này là Goldman Sachs và Chevron tăng hơn 2% mỗi cổ phiếu.
Trái lại, cổ phiếu Nvidia chốt phiên đầu tuần với mức giảm khoảng 6,7%, sau khi đã giảm 4% trong tuần trước - chấm dứt chuỗi 8 tuần tăng liên tiếp trước đó. Sự đảo chiều của cổ phiếu hãng sản xuất con chip khổng lồ này xảy ra sau khi Nvidia chớp nhoáng soán ngôi công ty niêm yết đắt giá nhất thế giới của “đế chế” phần mềm Microsoft. Các nhà phân tích kỹ thuật cũng đã chỉ ra khuynh hướng giá giảm trên biểu đồ cổ phiếu Nvidia những phiên gần đây.
Tuy nhiên, nếu so với thời điểm đầu năm, cổ phiếu Nvdia hiện đã tăng gần 140%.
Chiến lược gia Larry Tentarelli của Blue Chip Daily Trend Report nhận định việc cổ phiếu Nvidia giảm trong những phiên gần dây là “tương đối lành mạnh”. “Tuần trước và phiên này đã chứng kiến sự quay vòng lành mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Đây thực chất là một sự tạm ngưng lành mạnh đối với cổ phiếu công nghệ và cho thấy nhà đầu tư đang quay trở lại với những nhóm cổ phiếu đã giảm gần đây”, ông Tentarelli nói.
Sự hưng phấn của nhà đầu tư với cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI), thể hiện qua việc họ mua ồ ạt các cổ phiếu liên quan đến AI điển hình là Nvidia, đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự đi lên của thị trường trong năm nay. Xu hướng tăng đã duy trì ngay cả khi tâm lý nhà đầu tư bị chi phối bởi sự dịch chuyển liên tục trong kỳ vọng về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và gần đây là những tín hiệu giảm tốc của nền kinh tế. Năm nay, S&P 500 đã tăng 14% và thiết lập 31 kỷ lục đóng cửa.
Tuần này, sự chú ý của nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall sẽ hướng tới các số liệu kinh tế Mỹ, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Trước đó vào ngày thứ Năm, số liệu GDP quý 1 điều chỉnh sẽ được công bố.
“Mối lo lớn nhất của thị trường là có bất kỳ dấu hiệu của ‘stagflation’ - nền kinh tế giảm tốc mà lạm phát lại nóng lên”, chiến lược gia Quincy Krosby của công ty LPL Financial nhận định với hãng tin Reuters.
Theo công cụ FedWatch của nhà cung cấp dữ liệu LSEG, các nhà giao dịch đang đặt cược Fed sẽ giảm lãi suất 2 lần trong năm nay, với khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9 là hơn 60%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,9 USD/thùng, tương đương tăng 1,11%, chốt ở mức 81,63 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,77 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, chốt ở mức 86,01 USD/thùng.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI đã tăng 13,9% và giá dầu Brent tăng 11,6%.
Giá dầu tăng phiên đầu tuần do có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ xăng ở Mỹ mạnh lên, cộng thêm căng thẳng địa chính trị lại đang rục rịch leo thang ở Trung Đông. Tuần trước, giá dầu tăng gần 3%. Tính từ đầu tháng tới nay, giá dầu WTI đã tăng 6% và giá dầu Brent tăng 5,4%.
“Tuy nhiên, lý do chính khiến giá dầu tăng gần đây là niềm tin ngày càng lớn ràng lượng dầu tồn trữ toàn cầu sẽ giảm trong những tháng mùa hè ở bán cầu Bắc”, nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil viết trong một báo cáo.
Theo chiến lược gia Ryan McKay của công ty TD Securities nói rằng rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu lại đang xuất hiện do căng thẳng gia tăng ở biên giới giữa Israel và Lebanon. Những tuần gần đây, Israel và phiến quân Hezbollah được Iran hậu thuẫn liên tục đưa ra những lời đe doạ chiến tranh nhằm vào nhau.
“Chỉ số rủi ro nguồn cung năng lượng của chúng tôi đang tăng trở lại. Điều này có thể tiếp tục hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn”, ông McKay viết trong một báo cáo ngày thứ Hai, nhưng cảnh báo rằng các quỹ sẽ thanh lý trạng thái đầu cơ dầu lửa giá lên nếu giá dầu WTI giảm dưới 81 USD/thùng.
Các ngân hàng Goldman Sachs, JPMorgan Chase và Citigroup đều dự báo lượng dầu tồn trữ trên toàn cầu sẽ bắt đầu giảm do nhu cầu tăng trong mùa hè và liên minh OPEC+ duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện tới hết quý 3 năm nay.
Theo số liệu mới nhất của Mỹ, lượng tồn kho dầu thô, xăng và các sản phẩm chưng cất của Mỹ đều giảm trong tuần kết thúc vào ngày 14/6. JPMorgan Chase cho biết tiêu thụ xăng ở nước này đạt 9,4 triệu thùng/ngày trong tuần đó, mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 kết thúc.