Chứng khoán Mỹ giằng co vì nỗi lo lãi suất và trần nợ, giá dầu tăng liền 5 phiên
Thị trường chứng khoán Mỹ giằng co trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (27/9), khi nhà đầu tư phân vân vì khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chuẩn bị nâng lãi suất và bất an vì Chính phủ có thể sắp rơi vào cảnh hết tiền...
Giá dầu thô giữ đà tăng phiên thứ 5 liên tiếp vì mối lo thiếu dầu trên toàn cầu khi các biện pháp chống Covid-19 được nới lỏng tại nhiều quốc gia.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,2% và chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hoá nhỏ tăng 1,5%. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 0,3% và chỉ số Nasdaq trượt 0,5%, do giá trái phiếu kho bạc Mỹ sụt giảm, đẩy lợi suất tăng, gây áp lực lên những cổ phiếu tăng trưởng như Microsoft và Amazon.
“Thị trường chứng khoán Mỹ đang ngày càng phản ánh rằng nền kinh tế Mỹ đã bược vào một chu kỳ mở cửa trở lại mới”, Giám đốc chiến lược Jim Paulsen của Leuthold Group nhận định với hãng tin CNBC. “Các hoạt động kinh tế gia tăng có thể làm trầm trọng thêm những nút thắt trong chuỗi cung ứng và rốt cục đẩy lạm phát lên cao hơn. Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư đáng buộc phải đánh giá lại xem liệu họ có nắm quá nhiều cổ phiếu tăng trưởng và công nghệ, trong khi chưa nắm đủ những cổ phiếu nhạy cảm với chu kỳ kinh tế”.
Các nhà đầu tư đang chờ cuộc điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước một uỷ ban của Quốc hội Mỹ vào ngày 28/9. Trong tài liệu chuẩn bị trước cho phiên điều trần này, ông Powell nói rằng lạm phát có thể kéo dài hơn dự báo.
“Lạm phát đang tăng và có thể giữ ở mức cao trong vài tháng tới trước khi suy yếu”, ông Powell nhận định trong tài liệu trên. “Do nền kinh tế tiếp tục mở cửa trở lại và tiêu dùng gia tăng, chúng ta đang chứng kiến sức ép lớn hơn đối với giá cả, nhất là do nút thắt chuỗi cung ứng trong một số ngành. Những hiệu ứng này lớn hơn và kéo dài lâu hơn dự báo, nhưng sẽ dịu đi, và khi đó, lạm phát sẽ giảm về mức mục tiêu dài hạn của chúng tôi là 2%”.
Tuần trước, Fed phát tín hiệu đã sẵn sàng cắt giảm chương trình mua tài sản và phát tín hiệu có thể bắt đầu có một lần tăng lãi suất trong năm 2022, tiếp theo là 3 lần tăng mỗi năm trong 2023 và 2024.
Phủ bóng lên thị trường phiên này còn là mối lo Chính phủ Mỹ có thể đóng cửa. Nếu Quốc hội Mỹ không hành động, Chính phủ nước này sẽ rơi vào tình trạng hết ngân sách và phải đóng cửa vào ngày thứ Sáu tuần này. Có một số giải pháp ngắn hạn để duy trì ngân sách, nhưng vấn đề trần nợ có thể phải mất nhiều tuần để giải quyết. Ngày thứ Hai, một số thượng nghị sỹ Cộng hoà đã chặn một dự luật mà phe Dân chủ để xuất nhằm cấp ngân sách cho Chính phủ và đình chỉ trần nợ quốc gia.
Một vấn đề khác thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong tuần này là cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện về gói đầu tư hạ tầng 1 nghìn tỷ USD mà Thượng viện đã thông qua trước đây.
Thứ Năm tuần này sẽ là ngày giao dịch cuối cùng của tháng 9 và của quý 3. Dow Jones đã giảm 1,4% từ đầu tháng và S&P 500 giảm 1,8%. Nasdaq cũng mất 1,9%.
Biến chủng Delta của Covid-19, kế hoạch cắt giảm chương trình mua tài sản của Fed, và lạm phát cao là những mối lo chính của nhà đầu tư trong tháng 9 này. Tuy nhiên, Dow Jones vẫn tăng 14% từ đầu năm, S&P 500 và Nasdaq cũng tăng mạnh không kém.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau ở London đóng cửa phiên đầu tuần với mức tăng 1,44 USD/thùng, tương đương tăng 1,84%, đạt 79,53 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 1,47 USD/thùng, tương đương tăng 2%, đạt 75,45 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7.
Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của cả hai loại dầu. Tuần trước, giá dầu Brent tăng tuần thứ ba liên tiếp và giá dầu WTI đã tăng tuần thứ 5 liên tiếp.
“Nguồn cung dầu thắt chặt tiếp tục khiến lượng dầu tồn kho giảm xuống ở tất cả các thị trường”, một báo cáo của ANZ nhận định về nguyên nhân đẩy giá dầu tăng. Theo ngân hàng này, giá dầu tăng còn do giá khí đốt leo thang gần đây ở thị trường Mỹ và châu Âu.