Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới, giá dầu tăng mạnh
Các số liệu công bố ngày thứ Tư phản ánh sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ, qua đó củng cố khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (3/7), với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq thiết lập mức đỉnh mới bất chấp những số liệu kinh tế ảm đạm. Giá dầu thô tăng hơn 1% sau số liệu thống kê cho thấy lượng dầu tồn trữ của Mỹ giảm - một dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc của nhu cầu.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,51%, đạt 5.537,02 điểm. Nasdaq tăng 0,88%, đạt 18.188,3 điểm. Cả hai chỉ số cùng lập kỷ lục nội phiên và kỷ lục đóng cửa trong phiên này.
Riêng chỉ số Dow Jones giảm 23,85 điểm, tương đương giảm 0,06%, còn 39.308 điểm.
Trong khi S&P 500 và Nasdaq được thúc đẩy bởi lực tăng đến từ các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như Tesla và Nvidia, Dow Jones đương đầu với áp lực từ cú giảm gần 1,7% của cổ phiếu UnitedHealth.
Các số liệu công bố ngày thứ Tư phản ánh sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ. Báo cáo của công ty dịch vụ tuyển dụng ADP cho thấy số việc làm mới trong khu vực kinh tế tư nhân ở nước này trong tháng 6 là 150.000 công việc, giảm so với con số 157.000 công việc mới của tháng 5 và thấp hơn dự báo 160.000 công việc mới mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Một báo cáo hàng tuần của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước là 238.000 người, lớn hơn so với dự báo và tăng 4.000 người so với tuần trước đó.
Ngoài ra, báo cáo từ Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cùng ngày cho thấy hoạt động trong ngành dịch vụ Mỹ tháng 6 suy giảm và yếu hơn dự báo.
Những dấu hiệu suy yếu của thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ có thể đã được nhà đầu tư ở Phố Wall coi là tin tốt, bởi các số liệu này củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Thị trường sẽ đón nhận một báo cáo còn quan trọng hơn vào ngày thứ Sáu tuần này, và đó là báo cáo việc làm đến từ Bộ Lao động Mỹ.
Theo dự báo của giới chuyên gia, báo cáo sắp công bố sẽ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 200.000 công việc trong tháng 6, giảm so với con số 272.000 công việc mới của tháng 5. Theo hãng tin CNBC, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ và báo cáo của ADP thường có sự chênh lệch số liệu, trong đó báo cáo của ADP thường đưa ra con số thấp hơn. Chẳng hạn vào tháng 5, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy có 229.000 công việc mới trong khu vực kinh tế tư nhân, nhiều hơn 72.000 công việc so với báo cáo của ADP.
Ngày thứ Năm, thị trường tài chính Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh 4/7.
Phản ánh kỳ vọng Fed có thể giảm lãi suất vào tháng 9, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có phiên giảm thứ hai liên tiếp vào ngày thứ Tư, tụt 8,5 điểm cơ bản, còn 4,351%.
“Tăng trưởng kinh tế Mỹ đang giảm tốc, nhưng đang gần hơn với xu hướng. Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 và lợi nhuận của các công ty niêm yết là tương đối tốt. Đó vẫn là một bối cảnh khá tốt cho giá cổ phiếu”, chiến lược gia Jack Janasiewicz của công ty Natixis Investmen Managers nhận định với hãng tin Reuters.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng hơn 68% Fed bắt đầu giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9, tăng đáng kể so với ngày hôm trước.
Cổ phiếu Tesla tăng 6,5% trong phiên ngày thứ Tư, đánh dấu phiên tăng thứ 7 liên tiếp. Một động lực cho giá cổ phiếu hãng xe điện này bứt phá là báo cáo tuần này cho thấy số xe được giao đến tay khách hàng nhiều hơn dự báo. Cổ phiếu hãng sản xuất con chip Nvidia ghi nhận mức tăng 4,6% trong phiên ngày thứ Tư.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 8 tại New York tăng 1,07 USD/thùng, tương đương tăng 1,29%, chốt ở mức 83,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 9 tăng 1,1 USD/thùng, tương đương tăng 1,28%, chốt ở mức 87,34 USD/thùng.
Dầu tăng giá mạnh sau khi báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn trữ sụt 12,2 triệu thùng trong tuần trước và tồn trữ xăng giảm 2,2 triệu thùng.
“Cả tồn trữ xăng và các sản phẩm chưng cất đều giảm mạnh dù các nhà máy lọc dầu tăng công suất hoạt động. Điều này cho thấy nhu cầu tăng lên, nhất là đối với xăng, và các trạm xăng đang tích trữ để chuẩn bị cho kỳ nghỉ quốc khánh”, nhà phân tích Matt Smith của công ty Kpler nhận định.
Ngoài ra, giá dầu gần đây còn được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị nóng lên ở “vựa dầu” Trung Đông và mùa bão bắt đầu ở Vịnh Mexico, một vùng sản xuất dầu chủ lực của Mỹ.