Chứng khoán Mỹ tụt điểm vì Fed lo suy thoái kinh tế, giá dầu tăng hơn 2%
Báo cáo CPI đã mang lại chút lạc quan vào buổi sáng. Nhưng tâm lý nhà đầu tư chuyển sang bi quan vào buổi chiều sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ mới nhất...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/4), sau khi biên bản cuộc họp tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho thấy các nhà hoạch định chính sách lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái trong năm nay. Giá dầu thô tăng hơn 2% nhờ thống kê cho thấy lạm phát toàn phần ở Mỹ giảm tốc.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,11%, còn 33.646,5 USD/oz. Chỉ số S&P 500 giảm 0,41%, còn 4.091,95 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,85%, còn 11.929,34 điểm.
Các chỉ số đã tăng trong buổi sáng sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 cho thấy lạm phát toàn phần giảm nhiệt. CPI tháng trước tăng 0,1% so với tháng 2 và tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, cả hai mức tăng đều thấp hơn so với dự báo và giảm so với mức tăng ghi nhận trong tháng 2. Ngoài ra, mức tăng cả năm của lạm phát toàn phần là yếu nhất kể từ tháng 5/2021 và giảm 1 điểm phần trăm so với mức tăng 6% của tháng 2.
Tuy nhiên, lạm phát lõi ghi nhận sự tăng tốc, với mức tăng 5,6% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái sau khi tăng 5,5% trong tháng 2.
Tâm lý nhà đầu tư chuyển sang bi quan vào buổi chiều sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ mới nhất. Biên bản cho thấy Fed lo ngại rằng cuộc khủng hoảng gần đây sẽ gây ra một cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ trong năm nay.
“Tâm điểm chú ý của Phố Wall đã dịch chuyển từ báo cáo lạm phát yếu hơn dự báo sang biên bản cuộc họp Fed gây mối lo suy thoái. Đó là bởi bất ổn trong hệ thống ngân hàng có thể lại trỗi dậy khi các ngân hàng công bố báo cáo tài chính trong những ngày tới”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định với hãng tin CNBC.
Nội dung biên bản của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương này đã đánh giá về khả năng căng thẳng trong hệ thống ngân hàng gây ra một cuộc suy thoái nhẹ trong năm nay. Tuy nhiên, biên bản cũng cho thấy các quan chức cuối cùng nhất trí tăng lãi suất vì các dữ liệu kinh tế Mỹ ở thời điểm đó hầu như chưa cho thấy dấu hiệu nào của sự giảm áp lực lạm phát một cách đáng kể.
“Thị trường vừa có được chút yên tâm về khủng hoảng ngân hàng, mà giờ lại có cảm giác rằng cuộc khủng hoảng đó lại bùng lên trong 2 tuần nữa”, ông Moya nói. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chứng kiến có thêm những ngân hàng nữa chịu áp lực”.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 ở Phố Wall sẽ bắt đầu vào ngày thứ Sáu tuần này, mở màn là báo cáo của các ngân hàng lớn.
Lạm phát suy yếu đang khiến giới đầu tư khấp khởi hy vọng rằng Fed sẽ dừng thắt chặt sau khi nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng tới. Tuy nhiên, cả lạm phát lõi và lạm phát toàn phần còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed, nên mọi dự đoán về thời điểm Fed dừng thắt chặt hoặc bắt đầu giảm lãi suất đều bấp bênh ở thời điểm này.
“Các cuộc trò chuyện ở Phố Wall bây giờ đều xoay quanh việc bao giờ Fed sẽ bắt đầu đi theo một hướng khác. Tôi không cho rằng Fed sẽ xoay trục cho tới khi nhà đầu tư cảm thấy ‘đau thương’ đến mức không còn muốn rót tiền vào thị trường chứng khoán”, chiến lược gia trưởng Johan Grahn của Allianz Investment Management nói với hãng tin Reuters.
Chiến lược gia Anthony Saglimbene của Ameriprise Financial nhận định số liệu CPI xác nhận rằng xu hướng lạm phát đang đi đúng hướng, “nhưng từ góc nhìn của thị trường, điều đó vẫn chưa đủ để nhà đầu tư hài lòng vì tôi không cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất trong năm nay”.
Lúc đầu sau khi số liệu lạm phát được công bố, thị trường tiền tệ giảm kỳ vọng vào một đợt tăng lãi suất của Fed trong tháng 5, đặt cược khả năng 65,2% Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch của sàn CME. Sau đó, khả năng này lại tăng vượt mức 70%. Dù vậy, giới đầu tư vẫn nghiêng về khả năng Fed giảm lãi suất vào cuối năm nay, với dự báo bình quân của lãi suất vào thời điểm tháng 12 là 4,336%.
Phát biểu ngày thứ Tư, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin nói rằng lạm phát có thể đang giảm, nhưng chưa giảm với tốc độ đủ nhanh về mục tiêu 2% của Fed. Quan điểm cứng rắn này của vị quan chức Fed đã khiến giới đầu tư “mất vui” sau khi đón nhận báo cáo CPI cho thấy sự xuống thang của lạm phát toàn phần.
“Tôi đang đợi lạm phát sụt giảm. Lạm phát đang đi đúng hướng, nhưng chừng nào lạm phát còn chưa hạ về mục tiêu của chúng tôi và giữ ở đó trong vài tháng, chưa ai dám chắc chúng tôi đã kiểm soát được lạm phát”, ông Barkin nói với CNBC.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,72 USD/thùng, tương đương tăng 2,01%, chốt ở 87,33 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,73 USD/thùng, tương đương tăng 2,1%, đạt 83,26 USD/thùng.
Trước phiên này, giá dầu đã tăng hơn 2% trong phiên ngày thứ Ba.
Triển vọng giá dầu đang bấp bênh, giữa một bên là nguồn cung thắt lại do việc các nước sản xuất dầu lớn cắt giảm sản lượng, và một bên là lãi suất tiếp tục tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế.
Giám đốc điều hành Fatih Birol của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo thị trường dầu toàn cầu có thể thắt chặt trong nửa sau của năm nay, đẩy giá dầu tăng. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 12/4 cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, với lý do lãi suất tăng.
Tâm điểm chú ý của nhà đầu tư trong phiên ngày thứ Năm là báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) và báo cáo về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần, đều do Bộ Lao động Mỹ công bố.