Chuỗi sự cố chưa dừng lại, Boeing “khó chồng khó”
Thứ Sáu tuần trước, một chiếc máy bay của Alaska Airlines đã hạ cánh tại sân bay Portland (bang Oregon, Mỹ) với cửa khoang hàng hóa bị mở toang. Máy bay này đã thực hiện chuyến bay từ Los Cabos, Mexico đến Portland...
Khoang bị “bung cửa” là hầm hàng chứa thú cưng của hành khách, may mắn là không có con vật nào bị thương. Theo Washington Post, Alaska Airlines tuyên bố không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cửa hầm hàng đã mở trong suốt chuyến bay và tất cả các chỉ báo đều cho thấy cửa chỉ mở một phần sau khi máy bay hạ cánh. Đội bảo trì của hãng đã nhanh chóng kiểm tra và sửa chữa máy bay, thay thế lò xo trên cửa và kiểm tra cửa trước khi đưa máy bay trở lại hoạt động.
Trong khi hãng bay dường như “đơn giản hóa” mọi vấn đề, chuyên gia hàng không Joe Schwieterman cho rằng cửa hàng hóa tự mở ra là "khiếm khuyết khá lớn". Chiếc máy bay tự mở cửa hầm hàng là Boeing 737 MAX 8. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến các thiết bị điện trong hầm hàng đó. “Vì vậy, thật rắc rối khi bạn đi một chiếc máy bay mà một số thứ như thế này không bị phát hiện", ông nói. Cả Boeing và Alaska Airlines đều đang vướng vào vụ kiện trị giá 1 tỉ USD về an toàn máy bay.
Alaska Airlines đã trải qua một sự cố khác vào tháng 1, khi cửa sổ và một phần thân của một máy bay Boeing 737 MAX 9 nổ giữa không trung ngay sau khi cất cánh từ Portland, Oregon. Sự cố đó đã buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp. Rất may, tất cả 174 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn đều an toàn. Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Mỹ cũng cảnh báo sự cố hồi tháng 1 có thể tái diễn.
Đồng thời, cũng vào thứ sáu tuần trước, một sự cố khác đã xảy ra khi một chiếc Boeing 737 MAX 9 của United Airlines lăn ra khỏi đường băng tại sân bay liên lục địa George Bush ở Houston, buộc tất cả hành khách phải sơ tán. Chuyến bay này đã được lên kế hoạch bay đến Memphis, Tennessee. Sự liên tiếp của các sự cố hàng không này không chỉ làm dấy lên lo ngại về an toàn bay mà còn ảnh hưởng đến uy tín của hãng hàng không liên quan.
Trước đó, một máy bay của United Airlines cất cánh từ San Francisco, Mỹ đã buộc phải chuyển hướng sau khi một bánh rơi từ máy bay, đè bẹp nhiều ôtô ở bãi đậu xe bên dưới. Tháng 12/2023, cơ quan chức năng Mỹ kêu gọi các hãng bay kiểm tra tất cả máy bay 737 MAX sau khi phát hiện thiếu bu lông trong hệ thống điều khiển bánh lái của hai chiếc máy bay... Bản thân Boeing cũng tự phát hiện ra vấn đề trong quá trình sản xuất máy bay 737 MAX. Theo đó, công ty này cho biết có nhà cung cấp của họ thực hiện quy trình sản xuất phụ kiện không đúng tiêu chuẩn.
Tất cả những sự cố liên tiếp này khiến Boeing “đã khó càng thêm khó”. Báo Wall Street Journal ngày 9/3 đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ máy bay Boeing 737 MAX bị bung cửa vào tháng 1. Các nhà điều tra đã liên lạc với một số hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay gặp sự cố. Cuộc điều tra sẽ cung cấp thông tin để Bộ Tư pháp đánh giá xem liệu Boeing có tuân thủ thỏa thuận dàn xếp sau 2 vụ rơi máy bay 737 MAX thảm khốc vào năm 2018 và 2019 hay không.
Ngày càng nhiều nhà lập pháp Mỹ công khai bày tỏ mối lo ngại đối với Boeing và đặt câu hỏi về việc kiểm soát chất lượng sản xuất của hãng này. Mới đây, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg từ chối cho biết khi nào FAA có thể cho phép các máy bay tiếp tục hoạt động, nhưng cho biết Boeing phải đảm bảo máy bay của họ "an toàn 100%". Còn theo Bloomberg, cơ quan quản lý hàng không của Trung Quốc cũng đã tạm thời dừng vô thời hạn quá trình khởi động lại việc đặt mua và giao hàng máy bay B737 Max cho quốc gia này.
Theo báo cáo mới nhất, Boeing cho biết đã giao 27 máy bay trong tháng 1/2024, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái do các cơ quan quản lý, nhà lập pháp và khách hàng gây áp lực. Sau sự cố “bung cửa”, đơn đặt hàng của Boeing giảm mạnh. Nhà sản xuất Mỹ cho biết tháng vừa qua, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém nhất kể từ đại dịch Covid-19. Hãng cũng vừa bị hủy 3 đơn đặt hàng liên quan đến dòng 737 Max. Trong khi đó, đối thủ Airbus đã giao 30 máy bay phản lực trong tháng 1, ghi nhận 31 đơn đặt hàng mới.
Dave Calhoun, Giám đốc điều hành Boeing, cho biết trong báo cáo thu nhập mới đây rằng công ty sẽ không đưa ra mục tiêu giao máy bay vào năm 2024 khi đang cố gắng vượt qua cuộc khủng hoảng trầm trọng. "Chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào mọi máy bay tiếp theo và đảm bảo đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn mà chúng tôi có, tất cả các tiêu chuẩn mà cơ quan quản lý và khách hàng của chúng tôi yêu cầu”, vị lãnh đạo chia sẻ.
Để lấy lại niềm tin của khách hàng, đại diện Boeing cho biết hãng sẽ cho phép đại diện các bên khách hàng, đối tác tới xưởng sản xuất máy bay để trực tiếp tham gia vào quá trình kiểm tra an toàn. Đồng thời, hãng cũng sẽ mời một bên thứ ba để kiểm tra, xem xét các quy trình sản xuất, bảo dưỡng máy bay… Bên cạnh đó, Spirit Aerosystems, đơn vị sản xuất cửa sổ cho máy bay B737 Max của Boeing cũng sẽ có một bên thứ ba tới giám sát quá trình sản xuất, bảo dưỡng.
Ông Bruce McClelland, chuyên gia hàng không cho biết: “Thực tế, đó là lựa chọn duy nhất của Boeing. Họ buộc phải cố gắng cải thiện quy trình giám sát, bởi những bê bối vừa rồi càng khiến dư luận đặt ra câu hỏi “rốt cuộc là B737 Max còn trục trặc tới mức nào nữa”.
Boeing ngày 21/2 cũng công bố quyết định thay thế người đứng đầu chương trình 737 MAX, ông Ed Clark. Giám đốc bộ phận Hàng không thương mại Boeing (BCA) Stan Deal cho biết, bà Katie Ringgold sẽ thay thế ông Clark, người đã làm việc 18 năm cho Boeing. Ở vị trí mới, bà Ringgold sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà máy Renton ở bang Washington (Mỹ), nơi lắp ráp dòng máy bay MAX.
Boeing cũng cho biết chuẩn bị sẵn sàng cho sự cạnh tranh của chiếc máy bay chở khách sản xuất trong nước đầu tiên của Trung Quốc, lần đầu tiên được giới thiệu tới khách hàng quốc tế tại triển lãm hàng không lớn nhất châu Á hồi cuối tháng 2 năm nay. Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) thuộc sở hữu nhà nước đang tìm cách định vị máy bay C919 là đối thủ cạnh tranh tiềm năng với chiếc A320 dẫn đầu thị trường do Airbus của châu Âu sản xuất và 737 MAX của Boeing.
Giám đốc tiếp thị thương mại của Boeing tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Dave Schulte cho biết, Boeing dự đoán khu vực Đông Nam Á sẽ cần 4.225 máy bay mới vào năm 2042, trong bối cảnh nhà sản xuất Mỹ đang chuẩn bị cạnh tranh với COMAC để giành người mua. Theo ông, nhu cầu sẽ được thúc đẩy nhờ các hãng hàng không giá rẻ, vốn đã trở nên phổ biến rộng rãi trong khu vực hơn 650 triệu dân này.