Chuyển đổi sang năng lượng xanh: Thách thức lớn nhất là nguồn lực thực hiện
Năng lượng được xem là ngành then chốt, quan trọng nhất và cần huy động nhiều nguồn lực nhất để thực hiện các giải pháp giảm thiểu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là thách thức lớn với Việt Nam, đòi hỏi cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội...
Tại hội thảo “Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh” mới đây, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng để đạt mục tiêu chuyển đổi năng lượng và phát thải ròng bằng 0 như đã cam kết, vấn đề lớn nhất vẫn là nguồn lực thực hiện.
Trong “Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam” (CCDR) mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng tới phát thải ròng bằng 0 có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, hay xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm.
Trong đó, riêng lộ trình xây dựng khả năng chống chịu sẽ chiếm khoảng 2/3 số tiền này, do cần huy động lượng vốn đáng kể để bảo vệ tài sản và cơ sở hạ tầng cũng như những người dân dễ bị tổn thương.
Chi phí của lộ trình khử carbon chủ yếu phát sinh từ ngành năng lượng, gồm: chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo và quản lý quá trình chuyển dịch ra khỏi năng lượng than, có thể tiêu tốn khoảng 64 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2040.
“Ước tính của WB là một minh chứng cho thấy năng lượng là ngành then chốt, quan trọng nhất và cần huy động nhiều nguồn lực nhất để thực hiện các giải pháp giảm thiểu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0”, bà Ngọc kết luận.
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết trong giai đoạn 2021-2030 và đến năm 2050, ngành năng lượng tập trung vào hai mục tiêu cụ thể, đó là giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP tối thiểu từ 1,0-1,5% và 1,0%/năm cho mỗi giai đoạn 10 năm. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng năng lượng sơ cấp đạt tối thiểu 15-20% và 25-30% tương ứng cho từng giai đoạn.
Theo WB, quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ đòi hỏi vốn đầu tư và cần giảm thiểu tác động lên giá điện. Phân tích của WB chỉ ra rằng Việt Nam sẽ cần khoảng 166 tỷ USD (giá trị hiện tại) để đầu tư cho ngành điện tới năm 2040 để chuyển dịch theo các mục tiêu của COP26.
Con số này cao hơn khoảng 50% so với con số 109 tỷ USD được ước tính theo kịch bản chính sách hiện tại được nêu ra trong Quy hoạch bộ Phát triển ngành điện (PDP8) sơ bộ.
Giá điện trung bình cũng có thể tăng khoảng 25% vào năm 2040. Để đáp ứng nhu cầu tài chính, WB cho rằng cần có sự kết hợp của nhiều nguồn lực, bao gồm tái phân bổ nguồn tiết kiệm nội địa cho các dự án liên quan đến khí hậu, tăng dự trữ quốc gia và nguồn hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.
Ngoài ra, theo đại diện WB, nguồn vốn ODA có thể giúp giảm thiểu nguy cơ và huy động lĩnh vực kinh tế tư nhân, cải thiện tính tiếp cận của các dịch vụ về điện. Việt Nam nên làm việc chặt chẽ với các đối tác phát triển đa phương và song phương để đảm bảo nguồn tài chính cho các nỗ lực chuyển dịch năng lượng xanh.
Tận dụng hiệu quả nguồn vốn khu vực tư nhân
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo (mặt trời, gió…). Phân tích cho thấy khoảng 370 GW năng lượng tái tạo có thể được tạo ra thêm vào năm 2040 để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Những kinh nghiệm gần đây của Việt Nam cho thấy có thể hiện thực hóa điều này chủ yếu qua đầu tư tư nhân. Để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng này đối với năng lượng tái tạo, cần có các cải tiến trong việc hoạch địch mở rộng hệ thống năng lượng, khung pháp lý đối với việc thu mua để đảm bảo nguồn cung năng lượng tái tạo có chi phí thấp.
Đặc biệt, những chính sách hàng rào thương mại đã góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo nên được thay thế bởi cơ chế dựa trên cạnh tranh một cách hệ thống và minh bạch. Từ đó giúp mang đến các dự án năng lượng tái tạo từ nguồn vốn tư nhân hoạt động hiệu quả với chi phí thấp, giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam một cách bền vững.
Phải nói thêm rằng, mặc dù Việt Nam đã rất thành công trong việc mở rộng quy mô của các dự án tư nhân cho năng lượng tái tạo nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực này. Theo tôi được biết, có tới 25% năng lượng tái tạo tại khu vực miền Trung và miền Nam phải được hạn chế hoặc dừng sản xuất, trong khi đó nguồn cung cho khu vực miền Bắc thiếu tới 2 GW dẫn tới tạm ngừng cung cấp điện ở một số khu vực. Điều này rõ ràng là không tốt đối với phát triển kinh tế.
Việc hạn chế năng lượng tái tạo trong khi lại ngừng cung cấp điện ở một số khu vực khác xuất phát từ việc thiếu tính linh hoạt cũng như hạn chế về tải lượng của lưới điện. Phân tích cho thấy để đáp ứng được lượng năng lượng tái tạo tăng lên này, hệ thống điện có thể cần dung lượng dự trữ khoảng 60 GW cho tới năm 2040. Như vậy, việc đầu tư công vào lưới điện và tính linh hoạt của hệ thống cũng giúp giảm thiểu các nguy cơ liên quan tới đầu tư tư nhân trong năng lượng tái tạo.
Việt Nam có thể cân nhắc ưu tiên nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc do hai quốc gia này có nguồn thủy điện phong phú. Nhập khẩu năng lượng sạch là một phương án khả thi để hỗ trợ các chiến lược giảm carbon một cách hiệu quả, chi phí thấp cho ngành điện.
Ngoài ra, việc thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả và đầu tư nhằm giảm nhu cầu năng lượng một cách chủ động và trên quy mô toàn quốc có thể giúp Việt Nam tránh được việc phải tăng thêm 12 GW sản lượng điện tới năm 2030. Cải thiện khung chính sách và thúc đẩy năng lực cho các tổ chức địa phương về sử dụng năng lượng hiệu quả nên là một phần quan trọng trong kế hoạch giảm carbon của Việt Nam.
Việt Nam có thể phải phụ thuộc vào khí hóa lỏng nhập khẩu, vì vậy cần thiết phải lên kế hoạch đầu tư một cách cẩn trọng và linh hoạt nhằm thu mua được nguồn khí hóa lỏng với giá thành thấp với những hợp đồng phù hợp. Khu vực kinh tế tư nhân có thể đáp ứng được các khoản đầu tư này với hướng dẫn phù hợp và các quy định về hợp đồng được Chính phủ Việt Nam đưa ra.
Việt Nam nên tập trung vào điện hóa
Dựa trên việc phân tích các kịch bản dự kiến gắn với mục tiêu cam kết tại COP26, phía Đan Mạch khuyến nghị Việt Nam nên tập trung vào điện hóa tất cả các ngành, lĩnh vực. Điện hóa giúp giảm tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của kịch bản Net Zero so với kịch bản cơ sở.
Cùng với đó, cần nỗ lực để mức phát thải cần đạt đỉnh muộn nhất vào 2035 để đạt được mục tiêu Net Zero và tránh chi phí quá cao. Để đạt được Net Zero với chi phí thấp nhất, điện từ năng lượng tái tạo cần là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hóa thạch, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua sản xuất nhiên liệu điện phân.
Việt Nam cần phát triển điện mặt trời trang trại ở mức tối đa có thể để giảm chi phí, tiếp theo là điện gió. Hạn chế xây dựng thêm các nhà máy điện khí và LNG và khẩn trương tăng cường và mở rộng hệ thống truyền tải.
Giao thông và công nghiệp là hai ngành khó khử carbon nhất, nên cần sớm chuyển đổi nhiên liệu và điện hóa ngành giao thông, bắt đầu bằng vận tải đường bộ. Cùng với đó, loại bỏ dần phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sử dụng nguyên liệu hóa thạch từ 2025 và chuyển đổi phương thức vận tải công cộng, vận tải hàng hóa sang đường sắt chạy điện.
Giai đoạn sau năm 2030, Việt Nam nên phát triển hệ thống tích trữ năng lượng; phát triển điện gió ngoài khơi quy mô lớn; sản xuất hydro xanh và các nhiên liệu điện phân khác và khử carbon trong vận tải thủy và hàng không.