Cổ phiếu chứng khoán hút dòng tiền, giá tiếp tục tăng mạnh
Sau vài phút hào hứng đầu tiên, thị trường trượt dốc dần và độ rộng cũng co lại. Tuy nhiên vẫn có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt, nhường câu chuyện chỉ số lại cho các mã trụ. Nhóm chứng khoán đang hút dòng tiền rất mạnh trong bức tranh èo uột chung của thanh khoản.
Sau vài phút hào hứng đầu tiên, thị trường trượt dốc dần và độ rộng cũng co lại. Tuy nhiên vẫn có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt, nhường câu chuyện chỉ số lại cho các mã trụ. Nhóm chứng khoán đang hút dòng tiền rất mạnh trong bức tranh èo uột chung của thanh khoản.
Thanh khoản vẫn là vấn đề lớn nhất khiến nhà đầu tư nghi ngờ bất kỳ nhịp tăng nào. Thị trường khá tốt trong nửa đầu phiên sáng, với VN-Index tăng cao nhất trên tham chiếu 0,84%, nhưng chốt phiên sáng chỉ còn 0,04%.
Lực bán không mạnh, bằng chứng là HoSE lại giảm giao dịch khoảng 10% so với phiên trước, chỉ đạt 4.653 tỷ đồng và cả hai sàn niêm yết giảm 11%, đạt 5.152 tỷ đồng. Độ rộng vẫn duy trì tích cực với 226 mã tăng/185 mã giảm. Lúc VN-Index đạt đỉnh, độ rộng ghi nhận 289 mã tăng/102 mã giảm. Như vậy áp lực bán ra chủ yếu đang đẩy giá cổ phiếu tụt xuống nhưng vẫn trong vùng xanh, chưa nhiều mã rơi qua tham chiếu.
Mức thanh khoản thấp sáng nay làm nổi bật hơn những cổ phiếu thu hút dòng tiền rõ nhất. Cổ phiếu chứng khoán chiếm 4/10 mã thanh khoản nhất thị trường, với VND và SSI dẫn đầu, đạt tương ứng 316,7 tỷ đồng và 294,4 tỷ đồng. Hai mã này tăng vượt trội giao dịch, cổ phiếu đứng thứ 3 là HAG chỉ có 192,5 tỷ đồng dù mã này cũng đang rất đột biến.
Biến động giá của nhóm chứng khoán cũng rất tốt với duy nhất 3 mã giảm trên toàn bộ các sàn là WSS, HBS và API. Trong khi đó hàng chục cổ phiếu cùng nhóm tăng trên 1%. Các blue-chips tăng rất mạnh: SSI tăng 3,55%, HCM tăng 6,02%, VCI tăng 5,23%, VND tăng 3,23%, MBS tăng 5,08%, SHS tăng 4,14%...
Hầu hết các mã nhóm chứng khoán đều tăng tốt kể từ khi thoát đáy giữa tháng 6 vừa qua và trải qua vài phiên điều chỉnh cuối tuần trước. Dòng tiền vẫn chọn lựa nhóm cổ phiếu này và đẩy giá tăng tốt cho thấy nhịp điều chỉnh ngắn hạn không làm nản lòng nhà đầu tư. Một số thông tin không chính thức liên quan đến dự kiến kết quả kinh doanh sớm của nhiều công ty chứng khoán cũng thể hiện kỳ vọng lợi nhuận quý 2 tới đây sẽ không xấu như thị trường từng chiết khấu trước đó.
Nhìn chung với độ rộng vẫn nghiêng nhiều về phía tăng giá, nhóm cổ phiếu nào cũng có đại diện tăng giá mạnh sáng nay. Ngân hàng tuy phân hóa rất mạnh nhưng cũng có KLB, VIB, PGB, LPB, BAB tăng trên 2%. Bất động sản số lượng mã giảm nhiều hơn tăng nhưng BII, HAG thậm chí kịch trần với thanh khoản rất cao so với lịch sử. Dầu khí có PSH, PCG, OIL tăng trên 2%, PVD, PVS, PVC, BSR tăng trên 1%...
VN-Index trượt giảm dần nửa sau phiên sáng có yếu tố ép trụ, trong đó HPG, NVL ảnh hưởng đáng kể. Tuy vậy trong nhóm vốn hóa lớn nhất, không có mã nào giảm tới 1% hoặc hơn, cả rổ VN30 chỉ có PNJ giảm 2,11%, MWG giảm 2,13% và VRE giảm 1,05% là đáng kể nhất. VIC, HPG, NVL, VJC, CTG, VPB, BID trượt giảm xuống vùng giá đỏ nhưng mức độ không lớn. Điều này lý giải vì sao các chỉ số mới tuột dốc, chứ chưa giảm qua tham chiếu. VN30-Index kết phiên giảm 0,05% nhưng vẫn có 14 mã tăng/12 mã giảm.
Phía tăng, trụ VNM tiếp tục xuất sắc với mức tăng 1,63% và kéo điểm nhiều nhất cho VN-Index. VNM gần như không bị ảnh hưởng từ nhịp điều chỉnh cuối tuần trước mà chỉ đi ngang. Nhịp bứt phá hiện tại đã giúp cổ phiếu này đạt biên lợi nhuận trên 16% kể từ khi chạm đáy hồi giữa tháng 6 vừa qua. Đây là biên độ rất mạnh đối với một blue-chips.
Với dòng tiền tổng thể đang duy trì ở ngưỡng rất thấp trong thời gian khá dài, khả năng cao nhà đầu tư vẫn sẽ chọn lựa cổ phiếu cụ thể thay vì chờ đợi một diễn biến lớn thể hiện qua chỉ số. Thực tế là dù VN-Index liên tục dập dình kiểm định đáy nhưng cổ phiếu riêng lẻ nhiều mã tăng rất ấn tượng với thanh khoản cao.
Khối ngoại sáng nay cũng giao dịch nhạt nhẽo với tổng mức mua vào ở HoSE chỉ là 287,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,9% tổng giao dịch sàn này. Mức bán ra là 312,8 tỷ đồng, chiếm 6,4%, mức bán ròng tương ứng 25,1 tỷ. MWG đang chịu sức ép lớn nhất với lượng bán ra hơn 1,06 triệu cổ, chiếm 43% tổng thanh khoản. Giá trị bán ròng tương ứng 30,3 tỷ đồng và giá MWG cũng rơi 2,13%. CTG, HPG là hai cổ phiếu duy nhất còn lại bị bán ròng trên 10 tỷ đồng. Phía mua có VNM cũng là mã lớn nhất với 22,2 tỷ ròng. STB, VHC, VND, PNJ, SSI cũng là số ít còn lại được mua ròng trên 10 tỷ đồng.