Cổ phiếu nào có lợi thế khi xuất siêu sẽ tiếp diễn trong cả năm 2022?
Xuất khẩu đang tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong năm 2022 nhờ dịch bệnh đang được đẩy lùi và nhu cầu quốc tế hồi phục mạnh mẽ, qua đó tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 vẫn tăng trưởng gần 19% so với cùng kỳ 2020. Đồng thời cán cân thương mại đã chuyển sang xuất siêu sau nhiều tháng nhập siêu liên tiếp. Xuất khẩu đang tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong năm 2022 nhờ dịch bệnh đang được đẩy lùi và nhu cầu quốc tế hồi phục mạnh mẽ, qua đó tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 01/2022 đạt 60,29 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu đạt 30,84 tỷ USD, tăng 8,1% (tương ứng tăng 2,3 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 29,45 tỷ USD tăng 11,3% (tương ứng tăng 2,98 tỷ USD). Như vậy, trong tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa tháng thặng dư 1,39 tỷ USD.
4 ĐỘNG LỰC CHO NHÓM XUẤT KHẨU
Theo dự báo của Agriseco Research, cán cân thương mại có thể đạt trạng thái xuất siêu trong năm 2022 nhờ sự hồi phục nền kinh tế toàn cầu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 như đồ điện tử và linh kiện điện tử; xơ, sợi, dệt may; gỗ; cao su; thủy sản.
Do đó, công ty chứng khoán này cho rằng, cổ phiếu các nhóm ngành xuất khẩu sẽ có sự hồi phục tích cực hậu đại dịch. Triển vọng tăng trưởng đến từ: thứ nhất, Việt Nam tham gia sâu rộng vào hệ thống thương mại quốc tế. Số lượng hiệp định FTA của Việt Nam tăng nhanh kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2007 và tính đến đầu năm 2022 chúng ta đã có 15 hiệp định với các khu vực và đối tác thương mại lớn, mới đây nhất có thể kể đến như EVFTA, RCEP. Trong đó, hiệp định RCEP bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2022, với thị các trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia,... đóng góp tới 30% GDP toàn cầu.
Thứ hai, sự phục hồi của hoạt động sản xuất. Chỉ số PMI tháng 1 đạt 53,7 điểm – tăng so với mức 52,5 điểm trong tháng 12 nhờ lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh và sản lượng sản xuất cũng cải thiện hơn.
Thứ ba, nhu cầu tiếp tục tăng. Các thị trường như Mỹ, EU, với những gói kích thích kinh tế ở quy mô lớn sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng. Tại Mỹ, giá trị nhập khẩu tháng 1/2022 đạt mức kỷ lục 308,9 tỷ USD, tăng 1,9% theo tháng và tăng 22,4% so với cùng kỳ, chỉ số niềm tin người tiêu dùng cũng ở mức cao là 113,8 điểm so với cùng kỳ là 88,9 điểm.
Thứ tư, dự báo tỷ giá USD/VND tăng nhẹ trong năm 2022 do đồng USD mạnh lên khi FED cắt giảm chương trình mua tài sản và có khả năng nâng lãi suất 3 lần trong năm nay. Đây có thể là một yếu tố tích cực hỗ trợ xuất khẩu trong năm 2022.
CHỌN CỔ PHIẾU NÀO TIỀM NĂNG?
Với nhóm thuỷ sản, tháng 1/2022, mặc dù là tháng có kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn ghi nhận mức tăng hết sức ấn tượng khi đạt 872,5 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá về triển vọng nhóm này, theo Agriseco, năm 2022 tiếp tục tích cực nhờ Nghị định về quy định cho vay hỗ trợ lãi suất sẽ nhắm trực tiếp đến các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản.
Cước vận tải biển hạ nhiệt, Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic (BDI) đã giảm 60% sau khi lập đỉnh, đây là một dấu hiệu cho thấy cước vận tải biển sẽ điều chỉnh trong thời gian tới. Hiện nay giá xuất khẩu trung bình 2 mặt hàng thủy sản là cá tra và tôm đang tăng tốt và được dự báo tiếp tục chu kỳ tăng giá trong năm 2022.
Trên cơ sở đó, Agriseco giới thiệu 2 cổ phiếu có tiềm năng cao gồm HVC và FMC giá mục tiêu lần lượt là 90.000 đồng/cổ phiếu và 70.000 đồng/cổ phiếu.
Với nhóm dệt may, triển vọng tích cực cho nhóm này năm 2022 đến từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Chiến tranh thương mại Mỹ Trung đã khởi đầu và đại dịch Covid càng thúc đẩy xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Thị trường Mỹ ngày càng trở nên quan trọng, xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu. Việt Nam cũng đã vươn lên Top 02 quốc gia có giá trị xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này (chiếm 14%).
Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu với 15 FTA có hiệu lực, trong đó có thể kể đến các hiệp định FTA thế hệ mới như EVFTA hay RCEP. Đối với EVFTA, hiện nay 56% hàng dệt may VN xuất khẩu sang EU thuộc nhóm B5 (tham khảo bảng bên dưới). Theo bộ công thương, trong 5 năm EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% và trong 7 năm sẽ xóa bỏ 22,7% kim ngạch xuất khẩu còn lại của Việt Nam sang EU. Hiệp định RCEP bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2022, với thị trường đóng góp tới 30% GDP toàn cầu.
Trên cơ sở đó, Agriseco giới thiệu 2 cổ phiếu tiềm năng gồm TNG giá mục tiêu 43.600 đồng/cổ phiếu và STK giá mục tiêu 72.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho rằng vẫn còn nhiều thách thức các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt như tình trạng tăng giá nguyên vật liệu đầu vào. Các chỉ số giá hàng hóa đều tăng rất mạnh trong năm vừa qua và sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022. Cước vận tải biển có thể sẽ hạ nhiệt nhưng vẫn sẽ ở mức cao trong năm nay.
Bệnh cạnh đó, thị trường Trung Quốc Tăng trưởng chậm lại với chính sách zero Covid sẽ tạo ra những ẩn số khó lường, đặc biệt với những mặt hàng giao thương lớn với thị trường này.
Những năm gần đây, các sự kiện như chiến tranh thương mại Mỹ Trung, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Australia; hay việc các nước áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu, trong đó Việt Nam cũng mới áp thuế CBPG với sản phầm đường; xơ sợi nhập khẩu cho thấy xu thế bảo hộ thương mại có thể gia tăng.