Cổ phiếu ngành dược "bung nóc" đến lúc nào?

An Nhiên
Chia sẻ

Sóng cổ phiếu ngành được “bung nóc” suốt cả tuần vừa qua, phiên hôm nay hàng loạt mã kịch trần, trên mạng xã hội và room chứng khoán, nhiều nhà đầu tư vẫn được hô mua vào, sóng vẫn đang lên?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau một tuần thăng hoa, cổ phiếu ngành dược phiên hôm nay tiếp tục “bung nóc” với hàng loạt mã kịch trần.

GIÁ TÍM HÀNG LOẠT

Cổ phiếu VMD của Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex một thời gian dài giao dịch xung quanh vùng giá 25.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản gần như không đáng kể. Tuy nhiên, sau 16 phiên tăng kịch trần liên tiếp kể từ 6/8, chốt hôm nay, VMD đạt 72.100 đồng/cổ phiếu, tăng 188% so với phiên 6/8.

Hàng loạt cổ phiếu khác cũng tím lịm phiên hôm nay như: Cổ phiếu DDN của Công ty CP Thiết bị Y tế Đà Nẵng kịch trần 24.900 đồng/cổ phiếu, tăng 67% trong vòng nửa tháng trở lại. CDP của Dược phẩm Codupha tăng 130%; DVN tăng 58%; DP1 tăng 41%; DBT tăng 38%; TRA tăng 26% trong vòng một tuần…

Cổ phiếu dược phẩm đồng loạt kịch trần phiên hôm nay 30/8.
Cổ phiếu dược phẩm đồng loạt kịch trần phiên hôm nay 30/8.

Sóng cổ phiếu ngành dược được hỗ trợ bởi thông tin tích cực nhập khẩu vaccine và thuốc điều trị Covid-19.

Cụ thể, trước đó, ngày 7/8, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ Vimedimex nhập khẩu vắc xin Sputnik V về Việt Nam. VMD đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của Group 42 và Công ty Royal Strategics Partners của các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Thông qua Thỏa thuận nguyên tắc, Group 42 đã ủy quyền cho VMD là đơn vị nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam và là cơ sở đề nghị, đứng tên nộp hồ sơ đề nghị Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin Covid-19 Hayat-Vax, được sản xuất tại UAE đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Công ty Royal Strategics Partners đã đồng ý bán và ký Hợp đồng nhập khẩu với VMD 10 triệu liều vắc xin Covid-19 Janssen, 5 triệu liều vắc xin Covid-19 Pfizer, 10 triệu liều vắc xin Covid 19 Sputnik V. Các bên đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nộp vào Bộ y tế xin cấp phép nhập khẩu, theo lịch dự kiến đơn hàng đầu tiên về Việt Nam vào cuối tháng 8 nếu được cấp phép.

Ngày 23/8 vừa qua, Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng chính thức đưa ra chấp thuận hoàn toàn đối với vaccine Pfizer-BioNTech (tên thương mại là Comirnaty) trong phòng ngừa Covid-19 ở những người từ 16 tuổi trở lên. Một số doanh nghiệp khác ở Việt Nam như Công ty Donacoop cho biết đã đàm phán mua được 15 triệu liều vaccin Pfizer từ nhà sản xuất, dự kiến sẽ về hết trong tháng 9 tới đây.

Dù VMD chưa có thông tin chính thức về số lượng vaccin khi nào được phép nhập về Việt Nam và Donacoop thực sự có khả năng nhập khẩu Pfizer hay không song những thông tin tích cực từ việc nhập khẩu vaccin phần nào đã mang lan tỏa tâm lý tích cực cho nhà đầu tư, cơ hội cho cổ phiếu ngành dược thăng hoa. Trước đó, Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vaccin, kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccin cho hàng loạt doanh nghiệp gồm DBT, DP1, ĐN, CDP, YTC, DVN, VMD…

Bên cạnh đó, đã có hàng chục ngàn liều thuốc kháng virus Molnupiravir nhập về Việt Nam trong mấy ngày gần đây, chuyển trực tiếp cho Tp.HCM. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ngày 19/8 vừa qua, Bộ Y tế đã họp xem xét về việc cấp phép khẩn cấp cho Nanocovax. Tuy chưa được cấp phép khẩn cấp và cần phải bổ sung một số dữ liệu song những thông tin này phần nào cũng hỗ trợ cho cổ phiếu dược bung nóc, cả kể những cổ phiếu như TRA, DHG, LDP, OPC..dù không có nhiều thông tin hỗ trợ song cũng tăng đột biến.

SỚM NỞ TỐI TÀN?

Sóng cổ phiếu ngành được “bung nóc” suốt cả tuần vừa qua, phiên hôm nay hàng loạt mã kịch trần, trên mạng xã hội và room chứng khoán, nhiều nhà đầu tư vẫn được hô mua vào, sóng mới đang lên. Tuy nhiên, giới đầu tư chuyên nghiệp khuyến cáo nên thận trọng bởi dòng tiền đầu cơ có thể quay đầu bất cứ lúc nào khi những thông tin hỗ trợ gần như không có nhiều sự chắc chắn. 

Dù Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Y tế thông báo việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vaccine phòng COVID-19, tuy nhiên, các đơn vị sản xuất như  Pfizer, Moderma, AstraZeneca,… hiện tại vẫn giữ quan điểm nhất quán của hãng là chỉ cung cấp vaccine cho Chính phủ. Hiện, Pfizer cũng chưa cung cấp vaccine cho bất cứ doanh nghiệp hay cá nhân nào trên thế giới.

Tức là dù các doanh nghiệp được Chính phủ cho phép nhập khẩu song mua được hay không lại là câu chuyện rất khác và là bài toán thực sự hóc búa khi vaccine vẫn đang khan hiếm và nhiều nước như Mỹ đang nỗ lực tiêm mũi thứ 3 cho người dân trước biến thể Delta siêu lây nhiễm.

Thực tế cũng cho thấy, sóng cổ phiếu ngành dược thường "sớm nở, tối tàn", không kéo dài được bao lâu. Gần đây nhất, vào thời điểm tháng 6/2021, nhiều cổ phiếu ngành dược “nổi loạn” nhờ thông tin 36 đơn vị được Bộ Y tế cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vaccine, kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine. 

Ở thời điểm đó, DBT tăng kịch trần được 6 phiên sau đó cũng lao đầu giảm mạnh. DP1 kịch trần được 5 phiên cũng quay đầu giảm liên tiếp. Tình trạng này diễn ra tương tự ở các cổ phiếu trong nhóm như DDN, VMD, CDP, DVN… Nếu tình trạng này tái diễn, nhiều nhà đầu tư có thể sẽ phải nuốt đắng khi mua cổ phiếu dược ở thời điểm hiện tại.

Diễn biến cổ phiếu DBT trong thời gian gần đây.
Diễn biến cổ phiếu DBT trong thời gian gần đây.

Tổng quan hơn, triển vọng ngành dược cho cả năm 2021 còn được đánh giá sẽ tiêu cực do Covid-19. Cụ thể, theo Chứng khoán Phú Hưng, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, làm suy giảm nhu cầu khám bệnh của người dân, tác động đến doanh thu kênh ETC. Tốc độ tăng trưởng của ngành dược năm 2020 đã chậm lại so với các năm trước do việc siết chặt các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong các bệnh viện và thu nhập của người lao động giảm do hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch.

Theo dự báo của Fitch Solution, thì tăng trưởng ngành dược Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 8.7%. So với năm 2018, 2019 thì tốc độ này thấp hơn đáng kể. Tuy vậy, các đợt giãn cách xã hội kéo dài suốt từ tháng 5 đến nay và dự báo tiếp tục giãn cách sẽ gây áp lực cho ngành dược, khó đạt được tăng trưởng như dự báo trên.

Nguồn: Chứng khoán Phú Hưng.
Nguồn: Chứng khoán Phú Hưng.

Tuy vậy, về dài hạn, ngành dược vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ Chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ đạt 23 tỷ USD vào năm 2022 và 42.9 tỷ USD vào năm 2028, được thúc đẩy bởi: Tỷ lệ đô thị hóa 3% làm tăng nhu cầu khám chữa bệnh ở khu vực thành thị;  Dân số già với sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm; Mức độ thâm nhập Internet chiếm 2/3 dân số làm cho việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe dễ dàng hơn.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con