Còn nhiều dư địa để kích cầu du lịch đường bộ
Trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam đã được đầu tư nâng cấp, các cửa khẩu quốc tế đường bộ được mở rộng, phát triển. Đặc biệt có tuyến đường xuyên Á kết nối các thị trường có nhu cầu du lịch đường bộ cao trong khu vực…
Sở hữu đường biên giới đất liền dài 4.550 km với 3 nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia cùng 21 cửa khẩu quốc tế đường bộ, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch biên giới đường bộ với các nước trong khu vực. Xét về phương tiện vận chuyển của du lịch Việt Nam, đường bộ chỉ đứng sau hàng không, không hề thua kém du lịch tàu biển về lượng khách, tiềm năng và các hệ sinh thái sản phẩm. Thế nhưng lượng khách đến bằng đường bộ hiện vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu khách quốc tế du lịch Việt Nam.
TẬP TRUNG THU HÚT KHÁCH BIÊN MẬU
Ngày 15/3 vừa qua, đoàn công tác Sở Công thương, UBND huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng các ngành chức năng tỉnh Tboung Khmum, Vương quốc Campuchia, khảo sát chợ kiểu mẫu biên giới Việt Nam – Campuchia (chợ Đa, tỉnh Tboung Khmum, Campuchia), để bàn các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, du lịch.
Tại buổi khảo sát, đại diện Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Tây Ninh đề xuất tổ chức hội chợ giao thương hàng hóa trong dịp tết Chol Chnam Thmay của nước bạn, đồng thời nghiên cứu tổ chức điểm dừng chân, tham quan mua sắm trong chuỗi du lịch đến Tây Ninh và Tboung Khmum. Phía bạn cũng đề xuất thiết lập tuyến du lịch từ H.Memot (Thbong Khmum) đi núi Bà Đen và ngược lại.
Ngoài những thuận lợi về vị trí địa lý, tỉnh Tây Ninh có những sản phẩm độc đáo được du khách Campuchia ưa chuộng. Gần đây, tỉnh cũng thu hút được một số nhà đầu tư lớn đến xây dựng những sản phẩm du lịch nhân tạo đẳng cấp, mới lạ. Ông Phạm Ngọc Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty du lịch Saco Travel, cho biết doanh nghiệp hiện đang đón một lượng khách nhộn nhịp từ thị trường Campuchia, đặc biệt trong những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, thời gian lưu trú của nhóm khách này không dài, chi tiêu phần lớn là bình dân, nên doanh nghiệp chủ yếu khai thác số lượng và đang dần chuyển sang giai đoạn chất lượng.
Trước đó, sau khi mở cửa du lịch vào ngày 15/3/2022, đại diện Tổng cục Du lịch cũng từng nhận định tiềm năng du lịch biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia là khá lớn, nhưng lượng khách du lịch đến với khu vực này còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Du lịch biên giới giữa 3 nước nhìn chung chưa có đột phá mạnh mẽ. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp tại các tỉnh biên giới phần lớn tập trung vào thương mại là chính, chưa chú trọng đầu tư vào lĩnh vực du lịch..., nên sản phẩm du lịch biên giới chưa thực sự hấp dẫn du khách.
"Quan trọng nhất là từ trước đến nay, ngành du lịch nước ta gần như không có khái niệm xúc tiến du lịch tại các thị trường này. Đơn cử như khách Campuchia rất thích Đà Lạt, chúng tôi đã nhiều lần đề xuất tỉnh Lâm Đồng liên kết cùng TP.HCM, Tây Ninh tạo thành tuyến du lịch rồi mang đi quảng bá, xúc tiến tại các thành phố lớn bên Campuchia nhưng không ai làm", ông Trương Đức Hải, Giám đốc Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông cho biết.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT ông ty du lịch Lửa Việt thẳng thắn cho rằng ngành du lịch Việt Nam chưa đánh giá đúng tiềm năng lớn từ 2 thị trường Campuchia và Lào. Một số địa phương khi thống kê khách quốc tế thậm chí còn không tính đến số khách từ 2 thị trường này. "Trước dịch, mỗi ngày chỉ riêng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đón 7 - 8 chuyến xe liên vận quốc tế, khách qua lại không dưới 1 triệu người/năm nhưng không được thống kê. Có những bệnh viện tại TP.HCM, 70% bệnh nhân là người Campuchia", ông Mỹ chỉ rõ.
Ở phía Bắc, để hiện thực hóa mục tiêu đón 15 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng phương án đón và phục vụ khách du lịch qua cửa khẩu đường bộ đi du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó có khách du lịch Trung Quốc. Trong tháng 4/2023, tỉnh Quảng Ninh dự kiến đưa vào khai thác 24 sản phẩm du lịch mới tại 5 địa phương gồm: thành phố Hạ Long, Móng Cái, các huyện Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà. Đặc biệt, Sở Du lịch Quảng Ninh cũng đã đề xuất công nhận 5 tuyến tham quan trên vịnh Bái Tử Long.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tuy số lượng khách Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ chưa nhiều như thời điểm trước dịch, nhưng đang ngày càng tăng. Theo thống kê, tính từ ngày 15/3 đến hết ngày 24/3, tổng số có 33.457 nhập cảnh và 31.271 xuất cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Các điểm dịch vụ, du lịch của Móng Cái “bận rộn” hơn, không khí tại thành phố vùng biên cũng nhờ đó mà trở nên sôi động và náo nhiệt hơn.
ĐỀ XUẤT CỦA DOANH NGHIỆP
Để thu hút thêm du khách Lào và Campuchia, các công ty du lịch đã đề xuất các tỉnh có biên giới với nước này tạo điều kiện để du khách đi vào Việt Nam thuận lợi hơn. Hiện nay, theo cách truyền thống thì một xe khách 45 chỗ người thường mất gần 2 giờ đồng hồ để làm thủ tục nhập cảnh, từ kiểm duyệt hành lý, số người đi vào...
Ông Trương Đức Hải nhận định, hiện nay các tour khám chữa bệnh chủ yếu do một số người gốc Campuchia sống ở TP.HCM tổ chức và kết nối, chưa có dòng sản phẩm chuyên nghiệp. "Phải liên kết với các bệnh viện, với dịch vụ dành riêng cho dòng khách này. Đáng tiếc là các bệnh viện chưa dành nhiều quan tâm, phần vì hiện trạng nhiều bệnh viện uy tín đang quá tải", ông Phạm Ngọc Hà nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng tiềm năng du lịch chữa bệnh tại 2 thị trường Lào, Campuchia hiện nay lớn như vậy nhưng các doanh nghiệp du lịch vẫn chưa khai thác được là do chưa có sự liên kết, bắt tay chặt chẽ giữa 2 ngành y tế và du lịch. Việc di chuyển tự túc qua Việt Nam hiện nay rất dễ, vì thế các doanh nghiệp du lịch không thể nắm được số lượng nguồn khách chính xác để lên phương án khai thác.
Dưới góc độ thị trường, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietnam TravelMart đánh giá mô hình và cấu trúc khách du lịch hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, khách đi theo đoàn nhiều, các công ty lữ hành là đầu mối đứng ra lo "từ A đến Z", nhưng giờ xu hướng du lịch tự túc, đi theo nhóm nhỏ gia đình, bạn bè ngày càng gia tăng. Nếu vấn đề thủ tục bất cập thì họ sẽ chuyển đổi sang loại hình du lịch khác. Do đó, khung pháp lý cũng cần phải thay đổi thì mới mong mở rộng được nguồn khách.
Bên cạnh đó, để phát triển du lịch đường bộ bền vững phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng đường bộ, các cửa khẩu, hệ thống đường sá giữa các bên cùng chính sách đi kèm. "Khi đã có hạ tầng giao thông thì mới xây dựng khung pháp lý cho du lịch đường bộ. Đơn cử, xe tay lái nghịch thì xử lý thế nào, khách mang quốc tịch thứ ba vào Việt Nam qua đường bộ thì chế độ 1 visa ASEAN ra sao… Ít nhất là Việt Nam - Lào - Campuchia cùng một số nước Đông Nam Á hoàn toàn có thể triển khai được hệ thống đường bộ liên thông như các nước châu Âu", ông Dũng đề xuất.