Hàng không châu Á chuẩn bị đón mùa du lịch cao điểm hè
Trong nửa tháng qua, số lượng đơn đặt hàng thị thực đi du lịch dịp nghỉ lễ 1/5 sắp tới được xử lý qua Ctrip, nền tảng du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, đã tăng hơn gấp đôi so với tháng hồi tháng 2/2023...
Đến nay, Trung Quốc đã nối lại du lịch nước ngoài theo đoàn cho công dân của mình tới 60 quốc gia. Có dự đoán cho rằng, kỳ nghỉ lễ 1/5 kéo dài 5 ngày năm nay sẽ chứng kiến sự bùng nổ du lịch nước ngoài tại Trung Quốc cũng như châu Á.
Dữ liệu của Tongcheng Travel cho biết, sau khi Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc công bố danh sách thí điểm nối lại du lịch theo đoàn đợt mới đối với 40 quốc gia, lượng tư vấn thị thực du lịch đến các quốc gia này đã tăng nhanh chóng, có thời điểm tăng hơn 4 lần.
Còn theo dữ liệu của Fliggy, một trong những nền tảng phổ biến đối với người Trung Quốc trong lĩnh vực du lịch, lượng tìm kiếm về thị thực khoảng một tuần gần đây đã tăng 886%, lượng xin thị thực cũng tăng 680% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tờ Kinh tế Thế giới 21 cho biết, trong một tháng trở lại đây, lượng đặt vé máy bay quốc tế đã tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng xin visa tăng gần 7 lần. Những nơi nằm trong vành đai bay 4 giờ, như Thái Lan, Hong Kong, Nhật Bản, Macau, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Philippines, Việt Nam..., là những điểm đến “hot” nhất.
Tờ Hạ Môn buổi chiều dẫn lời phụ trách một hãng du lịch địa phương cho biết, dựa trên số lượt truy cập vào trang web chính thức và các cuộc gọi đến tổng đài thời gian gần đây, các điểm đến du lịch nước ngoài được người dân quan tâm trong kỳ nghỉ 1/5 là các sản phẩm du lịch liên quan đến Nhật Bản, Việt Nam, Italy, Serbia, Pháp và Tây Ban Nha.
Trong khi đó, các hãng hàng không Trung Quốc cũng đang bận rộn nối lại các chuyến bay nước ngoài khi mùa bay mới bắt đầu. Đây được coi là một động thái giúp thúc đẩy thị trường du lịch. Hãng hàng không China Southern Airlines của nước này cho biết, trong mùa bay mới sẽ khai thác 74 tuyến bay quốc tế và khu vực, với tổng số 732 chuyến bay mỗi tuần, hầu hết sẽ bay đến Australia, New Zealand và Đông Nam Á.
Mùa hè này, mùa hè đầu tiên sau khi làn sóng Covid-19 lắng xuống trên tất cả các lãnh thổ, hứa hẹn sẽ là một đợt "cao điểm" du lịch đặc biệt. Trong nỗ lực hồi sinh ngành du lịch trở lại thời kỳ trước đại dịch, nhiều nơi trên thế giới đang đưa ra các đãi ngộ rất hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch.
Đáng chú ý nhất là danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ quyết định hỗ trợ chi phí du lịch, thậm chí là cung cấp nơi ở miễn phí cho du khách quốc tế như Hong Kong hay Đài Loan (Trung Quốc). Theo chính sách mới của Đài Loan, mỗi khách du lịch sẽ được nhận 5.000 tân Đài tệ (khoảng hơn 3,8 triệu đồng). Chuyên trang du lịch The Points Guy (Mỹ) dẫn lời Cục trưởng Cục du lịch Đài Loan Trương Tích Thông cho biết khoản tiền này sẽ được cung cấp cho khách du lịch dưới dạng thẻ kỹ thuật số. Du khách có thể dùng tấm thẻ để chi trả cho các bữa ăn, phòng nghỉ và các chi phí du lịch khác.
Sáng kiến du lịch mới nhằm tập trung kích cầu từ các thị trường cốt lõi như Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), Nhật Bản, Hàn Quốc, Đặc khu Macau, châu Âu, Mỹ. Phó lãnh đạo Đài Loan Trần Kiến Nhân cho biết hòn đảo đặt mục tiêu thu hút 6 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023 và gấp đôi số lượng trong cùng kỳ năm sau. Tuy nhiện chưa có thông tin cụ thể về thời điểm, cách thức Đài Loan phát hành và áp dụng các "thẻ du lịch" kể trên, các doanh nghiệp nước này hy vọng sáng kiến sẽ giúp du ngành lịch bắt đầu “tăng tốc” ngay từ mùa hè tới.
Tuy nhiên, theo CNN, việc tần suất của các hãng bay chưa phục hồi, nhu cầu hành khách tăng chính là công thức tạo nên giá vé máy bay tại châu Á tăng cao trong dịp cao điểm nghỉ hè tới đây. Giá vé hạng phổ thông đến châu Á từ Bắc Mỹ và châu Âu tăng lần lượt 9,5% và 9,8% trong năm nay, theo dự báo từ ứng dụng du lịch American Express Global Business Travel (Amex GBT). Khoang hạng thương gia cũng tương tự. "Một số chặng, khách đang phải trả gấp đôi số tiền mà họ chi 4 năm trước", CNN nhận xét.
Vé thương gia chặng Paris - Thượng Hải năm 2019 giá 5.650 USD, năm nay là 11.500 USD, theo Amex GBT. Điều tương tự với chặng Singapore - Thượng Hải. Cũng theo ứng dụng trên, vé máy bay xuyên lục địa dự kiến còn đắt hơn (từ châu Á đi các châu khác), do tần suất của các hãng bay vẫn chưa bằng trước dịch. Cụ thể giá vé bay hạng phổ thông từ châu Á đến Australia tăng 5,1%, đến châu Âu tăng 14,5%, Bắc Mỹ tăng 10,3%. Ở chiều ngược lại, giá vé tăng lần lượt là 24,9%, 9,8% và 9,5%.
CEO của Trip.com, một trong những ứng dụng đặt phòng, vé lớn nhất Trung Quốc, cho biết dù Trung Quốc đã mở cửa lại, công suất chuyến bay hiện chỉ ở mức 15 - 20% so trước dịch. Trong khi đó, công suất chuyến bay tuyến quốc tế đường dài, như giữa châu Âu và Á, trong quý 1 chỉ bằng 17% so năm 2019. "Công suất của các hãng bay đang phục hồi, nhưng nó không phải với tốc độ chúng tôi mong đợi. Đó chính là mấu chốt. Công suất giảm, nhu cầu tăng chính là công thức tạo nên việc tăng giá", vị này nói.
Giá vé máy bay cao cũng đang ảnh hưởng đến quyết định đi chơi và lựa chọn điểm đến trong nước dịp 30/4 – 1/5 của du khách Việt. Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Công ty du lịch Best Price, cho biết giá vé máy bay dịp lễ 30/4 đã cao hơn mức bình thường từ 170 đến 300% tùy chặng. Cụ thể, chặng Hà Nội - Đà Nẵng nếu đi vào ngày thường trong tháng 3 chỉ khoảng 1 triệu đồng một chiều. Cũng chặng này ngày 28/4 giá lên 2,1 triệu đồng. Chặng Hà Nội đi Phú Quốc còn ghi nhận mức tăng "khủng", lên đến 4 triệu đồng một chiều, gấp 4 lần.
Giá vé máy bay cao là một trong những lý do khiến nhiều du khách Việt thay đổi hành trình hoặc vẫn chưa quyết định đi đâu. Dữ liệu từ nền tảng du lịch Mustgo, đối tác của 2.000 khách sạn trên cả nước, cho thấy công suất phòng khách sạn tại các điểm đến cần phải di chuyển bằng máy bay như Phú Quốc, Nha Trang hay Đà Nẵng dịp lễ 30/4 hiện chưa tới 60%. Trong khi đó, Sa Pa lại ghi nhận tỷ lệ lấp đầy phòng tốt hơn. Đây là nơi thu hút lượng lớn du khách miền Bắc nhờ có thể đến trong thời gian 4 - 5 tiếng lái xe. Tại Sa Pa, khách sạn phân khúc dưới 2 triệu đồng một đêm đã kín chỗ. Loại cao cấp hơn đã lấp đầy gần 80%.