Công nhân dễ "sập bẫy" khi vay tín dụng đen qua mạng
Theo chuyên gia, hiện tượng dán cột điện cho vay nặng lãi đã không còn, song các đối tượng đã tinh vi hơn và chuyển hoạt động lên không gian mạng; thông qua các mạng xã hội với nhiều hình thức, khiến người dân dễ sập bẫy hơn...
Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại đối thoại với chủ đề “Tìm hiểu về pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động; nhận diện lừa đảo trực tuyến và cách phòng ngừa”, ngày 4/5.
TÍN DỤNG ĐEN KÉO THEO NHIỀU HỆ LỤY
Liên quan đến vấn đề tín dụng đen trong công nhân, Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an), thông tin hiện nay việc vay qua app rất phổ biến trong công nhân lao động, nhiều trường hợp cần một khoản tiền gấp thì tìm đến vay qua app.
Tuy nhiên, thực tế hiện chưa có văn bản pháp lý nào quy định rõ về vấn đề này, song có thể hiểu vay tín dụng đen là vay không chính thức tại các tổ chức, cá nhân không được pháp luật công nhận và có lãi suất cao. Theo quy định của pháp luật, lãi suất cho vay không được quá 20% của khoản vay/năm, vay tín dụng đen thường cao gấp 5 lần quy định này.
“Một điểm nữa có thể lưu ý, đó là vay tín dụng đen không cần thế chấp mà vay bằng tín chấp, có một số app hiện nay không cần điều kiện gì, chỉ cần cho phép truy cập danh bạ điện thoại hoặc mạng xã hội. Khi đến hạn, các tổ chức này thường sẽ “khủng bố”, gây sức ép với người vay thông qua cuộc gọi hoặc gửi tin nhắn, gây áp lực buộc họ phải trả khoản vay với lãi suất rất cao”, TS. Đào Trung Hiếu cho biết.
Theo ông Hiếu, khi mắc vào vòng xoáy của tín dụng đen rất dễ dẫn đến nhiều vấn đề tiếp theo khác nhau. Nếu không tỉnh táo, người lao động sẽ tự đẩy mình vào tình trạng này.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo người lao động hạn chế tối đa vướng vào tín dụng đen này. Trường hợp cần tiền gấp, nên hỏi vay họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp.
Ông Hiếu cũng thông tin, năm 2023, Công an TP. Hà Nội đã triệt phá một băng nhóm cho vay tín dụng đen. Thủ đoạn của tội phạm là ghép mặt, ghép hình ảnh của nạn nhân vào các clip đen và tung lên các trang mạng xã hội để gây áp lực, khủng bố tinh thần nạn nhân nhằm đòi nợ. Các đối tượng này sau đó đã bị khởi tố vì tội cưỡng đoạt tài sản.
HOẠT ĐỘNG CHO VAY DIỄN BIẾN TINH VI TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Chuyên gia Đào Trung Hiếu lý giải, theo nghĩa hẹp, tín dụng đen là cho vay lãi nặng, còn theo nghĩa rộng là các dạng huy động và cho vay tín dụng dân sự bất hợp pháp không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, cũng như không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào.
Tín dụng đen là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt mức lãi suất cho vay mà Nhà nước hay pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Để ngăn ngừa loại tội phạm này, từ năm 2019, Bộ Công An đã có chuyên đề về đấu tranh với đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Từ đó, có thể thấy hiện tượng dán cột điện cho vay nặng lãi đã không còn.
Mặc dù vậy, theo ông Hiếu, đối tượng này đã tinh vi hơn và chuyển hoạt động lên không gian mạng; thông qua các mạng xã hội với nhiều hình thức. Người dân dễ sập bẫy hơn và công tác đấu tranh tội phạm cũng phức tạp hơn.
“Qua quá trình điều tra, lực lượng công an đã xác định hiện có 3 nhóm lừa đảo chính gồm: Giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản trên Zalo, Facebook và các hình thức kết hợp”, ông Hiếu thông tin.
Trong đó có 24 hình thức lừa đảo chính. Nổi bật là lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice, dùng công nghệ để ghép mặt và giọng nói của người quen, sau đó nhờ chuyển tiền; lừa đảo cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... nói người nhà “vô tình” liên quan đến tội phạm như ma túy, bí mật an ninh...; lừa đảo giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, ngân hàng, chứng khoán...; thông báo các vấn đề được quan tâm về lương, bảo hiểm.
Hay hình thức lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp với mức siêu lợi nhuận; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng rồi xin lấy lại tiền, hoặc lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa...Các thủ đoạn này chủ yếu nhằm vào sự hám lợi và thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân.
Đáng chú ý, có nhiều trường hợp người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người lao động tham gia vay tiền qua app và không trả tiền đúng hạn, nên các đối tượng đòi nợ sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ của họ để nhắn tin, gọi điện thoại nhằm mục đích đòi nợ, dù người bị gọi điện không liên quan đến các khoản vay nợ đó.
Với trường hợp này, chuyên gia khuyến cáo người dân cần bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, thông báo cho đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên. Có thể sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ.
Đối với các trang mạng cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, có thể trình báo đến cơ quan công an; tuyệt đối không cung cấp thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ.
“Trong quá trình đấu tranh, Bộ Công an giao chỉ tiêu công tác cho công an địa phương, tổ chức trinh sát, điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Tuy nhiên, quan trọng nhất là vẫn cần tích cực công tác tuyên truyền, thay đổi hành vi và nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân”, TS. Đào Trung Hiếu nói thêm.