Công ty mẹ đứng trước nguy cơ phá sản, The Body Shop Việt Nam có ảnh hưởng?
Trong hơn một thập kỷ vừa qua, The Body Shop là một hình ảnh quen thuộc tại các trung tâm thương mại trên toàn cầu, thậm chí còn được xem là một trong những thương hiệu làm đẹp được yêu thích tại nhiều quốc gia trên thế giới…
Ngày 20/2, tờ The Guardian cho biết The Body Shop sẽ cắt giảm 300 việc làm tại trụ sở chính trong khi gần một nửa trong số 198 cửa hàng ở Vương quốc Anh có thể đóng cửa. Trước đó, ngày 13/2, công ty tư vấn kinh doanh FRP - đơn vị được chỉ định thực hiện thủ tục phá sản của The Body Shop tại Anh, cho biết 198 cửa hàng tại nước này và cửa hàng trực tuyến sẽ tiếp tục hoạt động.
“Những người phụ trách pháp lý sẽ xem xét tất cả các lựa chọn để tìm cách duy trì hoạt động kinh doanh và sẽ cập nhật thông tin cho các chủ nợ cũng như nhân viên trong thời gian tới”, FRP nói. Việc thực hiện các thủ tục phá sản là một hình thức bảo vệ người có nợ, có thể dẫn đến việc bán doanh nghiệp, đóng cửa một số hoặc toàn bộ cửa hàng và sa thải nhân viên.
Mới đây nhất, các nghiên cứu viên Tony Wright, Geoff Rowley và Alastair Massey từ FRP cho biết: “Sau khi đánh giá đầy đủ hoạt động kinh doanh của The Body Shop tại Vương quốc Anh, các quản trị viên chung đã kết luận rằng sự kết hợp danh mục cửa hàng hiện tại không còn khả thi nữa”. Trước mắt, 7 cửa hàng sẽ đóng cửa vào ngày 21/2, sau đó sẽ đóng cửa thêm một số cửa hàng khác.
Dự kiến, khi kết thúc quá trình tái cơ cấu, chỉ còn hơn một nửa trong số 198 cửa hàng The Body Shop ở Anh còn mở cửa. “Việc giảm số lượng cửa hàng sẽ đồng nghĩa với việc tập trung đổi mới vào các sản phẩm, kênh bán hàng trực tuyến và chiến lược bán buôn của thương hiệu, đưa thương hiệu này ngang hàng với các đối thủ trong ngành và hỗ trợ sự ổn định tài chính trở lại”.
Thương hiệu mỹ phẩm The Body Shop đã phải trải qua một thời gian dài khó khăn về tài chính dưới thời các chủ sở hữu trước, trùng hợp với giai đoạn kinh doanh đầy thử thách của toàn ngành bán lẻ nói chung. Theo công ty tư vấn FRP, đây là thương hiệu bán lẻ lớn đầu tiên của Anh bị phá sản trong năm 2024. Trước đó, vào năm ngoái, chuỗi bán lẻ đồ gia dụng và nội thất giảm giá Wilko của Anh cũng đã phải đóng cửa, khiến hơn 9.000 nhân viên mất việc. Mặc dù một số trong 400 cửa hàng của họ đã được các nhà bán lẻ khác mua lại, nhưng đây vẫn là một tổn thất lớn cho ngành.
Được thành lập tại Brighton, miền Nam nước Anh vào năm 1976 bởi nhà hoạt động môi trường và nhân quyền quá cố Anita Roddick, The Body Shop nổi tiếng với việc quảng bá các sản phẩm tự nhiên, có nguồn gốc đạo đức và không thử nghiệm trên động vật. Trong những năm 1980 và 1990, The Body Shop là một trong những nhà bán lẻ mỹ phẩm được yêu thích nhất trên các con phố sầm uất của Anh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, họ đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn nhiều từ các thương hiệu mới, bao gồm cả những thương hiệu cũng đề cao yếu tố đạo đức.
Thực tế, giá sản phẩm The Body Shop khá cao so với các đối thủ cạnh tranh. Bù lại, The Body Shop chú trọng sản xuất sản phẩm có dung tích lớn, chất lượng đảm bảo. Ngoài ra, The Body Shop đã thực hiện Chương trình Thương mại cộng đồng từ năm 1987; tìm kiếm và hợp tác với những người nông dân, đối tác tại nông thôn, tạo cơ hội kinh doanh tốt, thu nhập lâu dài và ổn định cho họ. Bằng cách này, thương hiệu sở hữu nguồn nguyên liệu sạch tự nhiên, như hoa cúc, dầu bạc hà xuất xứ từ nước Anh, dầu olive từ Italia, dầu đậu nành từ Brazil… Hiện tại, The Body Shop hợp tác với gần 30 nhà cung cấp với hơn 20.000 nông dân trên toàn thế giới.
Năm 2006, The Body Shop được L'Oreal mua lại trước khi đổi chủ một lần nữa vào năm 2017 khi gã khổng lồ mỹ phẩm Pháp bán nó cho nhà sản xuất mỹ phẩm Natura&Co của Brazil với giá 1 tỷ euro. Tuy nhiên, sau khi gặp khó khăn về lợi nhuận, tháng 11 năm ngoái, Natura đã bán lại chuỗi cửa hàng này cho tập đoàn đầu tư tư nhân Aurelius Group với giá 207 triệu bảng Anh.
The Body Shop tiến vào thị trường Việt Nam từ năm 2009, do Công ty TNHH TBS Việt Nam vận hành. Công ty có vốn điều lệ ban đầu 5,6 tỷ đồng, sau nâng lên hơn 16 tỷ đồng với 100% sở hữu nước ngoài. Hiện chuỗi này sở hữu 40 cửa hàng chủ yếu nằm tại Hà Nội và TP.HCM. Ngoài số cửa hàng này, The Body Shop Việt Nam cũng có website bán hàng và kênh phân phối trên các sàn thương mại điện tử.
Liên quan đến sự kiện của The Body Shop tại Anh, Tập đoàn InNature Bhd, đối tác nhượng quyền thương hiệu The Body Shop tại Malaysia, Việt Nam và Campuchia, cho biết hoạt động kinh doanh của InNature không bị ảnh hưởng bởi những khó khăn đang diễn ra tại Vương quốc Anh. Ban lãnh đạo tập đoàn InNature đã nhận thông tin chính thức từ The Body Shop International, rằng quy trình tái cấu trúc chỉ liên quan duy nhất đến thị trường Anh, và không hề ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hệ thống các đối tác nhượng quyền toàn cầu.
Tại Việt Nam, Malaysia và Campuchia, tập đoàn InNature sở hữu 122 cửa hàng bán lẻ và hệ thống thương mại điện tử. Phía doanh nghiệp cho hay, trong năm nay, The Body Shop Việt Nam có kế hoạch mở rộng mạng lưới thêm các cửa hàng ở khu vực trung tâm TP.HCM và Hà Nội, cũng như tiếp tục đẩy mạnh mảng kinh doanh trực tuyến vốn đang bùng nổ, đặc biệt thông qua mạng xã hội.
Theo dữ liệu từ Metric, năm ngoái tổng doanh thu The Body Shop trên 5 sàn thương mại điện tử phổ biến (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo) đạt hơn 24 tỷ đồng với 79.000 sản phẩm được bán ra, lần lượt tăng hơn 30% và 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng của thị trường mỹ phẩm Việt Nam rất lớn. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng dân số thuộc tầng lớp trung lưu nhanh nhất Đông Nam Á. Hiện nay, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm 13% dân số và dự kiến lên đến 26% vào năm 2026. Khi thu nhập của người dân tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp bản thân cũng tăng lên, qua đó giúp thị trường bán lẻ mỹ phẩm phát triển hơn.