Công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc: Lỗ gần 16 tỷ USD, đòn bẩy nợ 1.333 lần

An Huy
Chia sẻ

Huarong Asset Management, công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc, báo cáo con số thua lỗ kỷ lục và tỷ lệ sử dụng đòn bẩy nợ lên tới hàng nghìn lần...

Trụ sở công ty quản lý nợ xấu Huarong ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.
Trụ sở công ty quản lý nợ xấu Huarong ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.

Báo cáo tài chính năm 2020 bị trì hoãn bấy lâu của Huarong được đưa ra vào ngày 29/8, chỉ hơn 1 tuần sau khi công ty này nhận được một kế hoạch giải cứu do Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn để tránh bờ vực sụp đổ.

Theo tin từ Bloomberg, niêm yết thông tin của Huarong tại thị trường chứng khoán Hồng Kông cho biết công ty lỗ 102,9 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 15,9 tỷ USD trong năm 2020, khiến vốn cổ phần của cổ đông bị cắt giảm gần 85%. Giá trị tài sản của Huarong bị cắt giảm 107,8 tỷ Nhân dân tệ, và công ty thua lỗ 12,5 tỷ Nhân dân tệ từ tài sản tài chính. Trong nửa đầu năm, công ty này lãi 158 triệu Nhân dân tệ, nhưng mức vốn chủ chốt ở thời điểm cuối tháng 6 thấp hơn nhiều so với quy định.

SỐ PHẬN HUARONG, BÀI KIỂM TRA ĐỐI VỚI BẮC KINH

Báo cáo tài chính 2020 lẽ ra phải được Huarong công bố vào tháng 3/2020 nhưng đã bị trì hoãn cho tới nay. 5 tháng qua là khoảng thời gian đầy biến động của công ty này, cho tới khi Huarong mới đây nhận được gói giải cứu từ nhóm công ty tài chính lớn nhất Trung Quốc. Những rắc rối của Huarong đã trở thành “bài kiểm tra” lớn nhất trong nhiều thập kỷ về việc liệu Bắc Kinh có còn sẵn sàng bảo vệ các doanh nghiệp quốc doanh khỏi các lực lượng thị trường, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực kiềm chế tăng trưởng nợ khi tình trạng vỡ nợ doanh nghiệp ở nước này lên tới mức kỷ lục.

Một đợt rà soát tài sản và đánh giá rủi ro vào năm ngoái “đã có ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh và là một bài học lớn trong lịch sử phát triển của công ty”, Chủ tịch Wang Zhanfeng của Huarong nói trong báo cáo. “Việc đã qua đã qua, nhưng gì đến sẽ đến. Chúng tôi sẽ học được bài học này và xem đó như một kinh nghiệm đắt giá và khao khát tiến lên phía trước”.

Huarong cho biết công ty có kế hoạch bán bớt những chi nhánh thuộc lĩnh vực kinh doanh không chủ chốt trong “tương lai gần” để tăng dòng vốn tạo ra từ nội bộ và để gia tăng mức vốn. Báo cáo không cung cấp thêm chi tiết nào về kế hoạch giải cứu, mà chỉ nói rằng bằng cách thực thi những biện pháp gồm bán tài sản và tăng vốn, công ty có thể đảm bảo hoạt động trong 12 tháng tới.

Hôm 18/8, các công ty quốc doanh gồm Citic Group, Công ty Đầu tư bảo hiểm Trung Quốc (CII) và Công ty Quản lý tài sản nhân thọ Trung Quốc (CLAM) nhất trí bơm vốn mới vào Huarong. Theo đó, Huarong sẽ nhận được 7,7 tỷ USD như một phần trong kế hoạch giải cứu, và quyền kiểm soát Huarong sẽ chuyển từ Bộ Tài chính Trung Quốc sang tay Citic. Nguồn thạo tin nói rằng kế hoạch còn đang được thảo luận và có thể thay đổi.

Huarong hiện gánh 238 tỷ USD nghĩa vụ nợ, bao gồm 20 tỷ USD trái phiếu quốc tế, và đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng nhà đầu tư toàn cầu thời gian qua. Tổng nợ của công ty này ở thời điểm ngày 30/6 là 782 tỷ Nhân dân tệ, trong đó số nợ đáo hạn trong vòng 1 năm là 578 tỷ Nhân dân tệ. Huarong cảnh báo rằng sự suy giảm mạnh mẽ về kết quả kinh doanh và điều kiện tài chính có thể dẫn tới việc công ty phải thanh toán ngay số nợ khoảng 17,9 tỷ Nhân dân tệ.

Tỷ lệ đủ vốn (CAR) của Huarong vào thời điểm 30/6 là 6,32%, giảm từ mức 13,2% cùng kỳ năm ngoái. Quy định của Trung Quốc yêu cầu tỷ lệ đủ vốn tối thiểu 12,5% đối với các công ty quản lý nợ xấu, và vốn cấp 1 ít nhất 9%.

CÁI KẾT “ĐẮNG” CỦA VAY NỢ, ĐẦU TƯ TRÀN LAN

Tuần trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s cắt giảm định hạng tín nhiệm của Huarong và cảnh báo có thể tiếp tục hạ tín nhiệm công ty này trên cơ sở tình trạng xấu đi về vốn và khả năng lợi nhuận. Cổ phiếu Huarong hiện vẫn đang bị tạm ngừng giao dịch và đã giảm 67% so với khi chào sàn. Khi lên sàn chứng khoán vào năm 2015, Huarong nhận được sự hậu thuẫn của những nhà đầu tư nước ngoài lớn gồm Warburg Pincus và Goldman Sachs.

Huarong đã không thể huy động vốn từ thị trường trái phiếu kể từ quý 2 năm nay, cho dù công ty này vẫn trả nợ đúng hạn và đạt thoả thuận với các ngân hàng quốc doanh để đảm bảo rằng công ty có thể thực hiện đúng các nghĩa vụ cho tới ít nhất cuối tháng 8. Tháng 8 này, Huarong trấn an nhà đầu tư rằng công ty không có kế hoạch tái cơ cấu nợ và đã chuẩn bị cho các đợt thanh toán trái phiếu sắp tới.

Trong những năm gần đây, công ty quốc doanh vỡ nợ đã trở thành một hiện tượng ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Tuy nhiên, không có công ty nào trong số đó có tầm quan trọng hệ thống lớn như Huarong. Ngoài mối qua hệ gần gũi với Chính phủ Trung Quốc và mạng lưới mối quan hệ phức tạp với các định chế tài chính khác, Huarong còn là một trong những nhà phát hành trái phiếu quốc tế lớn nhất Trung Quốc và trái phiếu của công ty có trong danh mục đầu tư từ khắp Hồng Kông tới London và New York.

Theo một báo cáo hôm 17/8 của Bank of America (BAO), nếu Huarong mất định hạng khuyến nghị đầu tư, 56% số nhà quản lý quỹ đang nắm trái phiếu USD của Huarong sẽ buộc phải bán ra.

Huarong - cùng với China Cinda Asset Management Co., China Great Wall Asset Management Co. and China Orient Asset Management Co. - được lập nên để mua nợ xấu từ các ngân hàng Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Ở thời điểm đó, sau nhiều thập kỷ ồ ạt cho vay đối với các công ty quốc doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, các ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc phải gánh lượng nợ xấu khổng lồ.

Theo thời gian, các công ty quản lý nợ xấu mở rộng hoạt động khỏi nhiệm vụ ban đầu, tạo ra một “mê cung” các chi nhánh để tham gia vào các hoạt động tài chính khác nhau và vay nợ hàng tỷ USD từ thị trường trái phiếu. Dưới thời Chủ tịch cũ là ông Lai Xiaomin, Huarong có hoạt động rộng nhất trong số 4 công ty quản lý nợ xấu của Trung Quốc. Ông Lai bị cách chức vào năm 2018 và bị tử hình vào tháng 1/2021 vì nhiều tội danh gồm tham nhũng và hối lộ.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con