Covid -19 “leo thang”, giá xăng dầu tăng chóng mặt, doanh nghiệp xe buýt xin giảm 50% công suất
Do lượng F0 tăng cao chóng mặt, sản lượng hành khách giảm sút lớn, Công ty Cổ phần xe khách Hà Nội xin giảm công suất các tuyến buýt kế cận Hà Nội...
Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tạm thời điều chỉnh giảm hơn 50% tần suất các tuyến xe buýt kế cận không trợ giá do ảnh hưởng dịch Covid -19.
Nguyên nhân được đơn vị này đưa ra là do dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến rất phức tạp và ngày càng lan rộng khiến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách gặp rất nhiều khó khăn.
Từ tháng 5/2021, tuyến buýt tới Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh… đã phải tạm dừng hoạt động vì các làn sóng dịch bệnh liên miên. Bước sang năm 2022, mặc dù hầu hết các tỉnh thành đã chuyển sang thích ứng linh hoạt, không “ngăn sông cấm chợ” nhưng do lượng F0 trong cộng đồng tăng cao, vì vậy, sản lượng hành khách từ đầu năm 2022 đến nay của các tuyến giảm sụt giảm nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại dẫn đến việc kinh doanh gặp khó, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiên liệu liên tục tăng cao.
“Để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh và duy trì dịch vụ vận tải phục vụ hành khách chúng tôi xin báo cáo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho phép công ty tạm thời giảm tần suất hoạt động của các tuyến buýt kế cận trong thời gian diễn ra dịch bệnh,” lãnh đạo Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội kiến nghị trong ngày 8/3.
Cụ thể, với tuyến buýt số 205 Gia Lâm-Hưng Yên 40 lượt xe/ngày theo kế hoạch giảm còn 20 lượt xe/ngày; tuyến buýt số 202 Hà Nội-Hải Dương từ 26-33 lượt xe/ngày theo kế hoạch giảm còn 12 lượt xe/ngày; tuyến buýt số 209 Giáp Bát-Hưng Yên 11 lượt xe/ngày theo kế hoạch giảm còn 4 lượt xe/ngày; tuyến 202 Mỹ Đình-Quế Võ (Bắc Ninh) từ 40 lượt xe/ngày giảm xuống 20 lượt xe/ngày tính theo lượt xe của một đầu bến.
Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết Sở sẽ chấp thuận theo đề xuất của Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội.
“Trong bối cảnh dịch COVID-19, các tuyến buýt không trợ giá sẽ căn cứ vào thực tế để điều chỉnh như tuyến cố định. Hiện tại, xe không có nhiều khách nên không thể bắt các doanh nghiệp chạy theo tần suất kế hoạch, nhất là trong bối cảnh khi xăng dầu lại liên tục tăng giá,” ông Tuyển nhấn mạnh.
Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn được phép hoạt động bình thường trở lại, doanh nghiệp vận tải hành khách đã không “chịu nổi nhiệt” khi tình hình kinh doanh ảm đạm. Bên cạnh đó, với thực trạng giá xăng dầu liên tục đạt các đỉnh mốc mới, thì doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ càng chạy càng lỗ vốn.