Cuộc chiến “kẻ sọc” giữa Adidas và Thom Browne vì sao dai dẳng không dứt?
Adidas đã đâm đơn yêu cầu Thom Browne bồi thường hơn 860.000 USD. Ngoài ra, nhãn hàng thể thao đòi thêm 7 triệu USD - tương đương với lợi nhuận nhà mốt Mỹ kiếm được từ việc kinh doanh các sản phẩm có gắn họa tiết kẻ sọc…
Theo Business Insider, đại diện thương hiệu hai thương hiệu đã gặp nhau tại tòa án ở New York hôm 3/1. Vụ việc xảy ra sau khi thương hiệu thể thao cáo buộc Thom Browne sử dụng họa tiết kẻ 3 sọc trong các sản phẩm, dẫn đến gây nhầm lẫn cho khách hàng. Thương hiệu Đức bắt đầu đệ đơn kiện nhà mốt xa xỉ vào tháng 6/2021. Khi đó luật sư của Thom Browne cho rằng thương hiệu của mình đã sử dụng họa tiết 3 đường kẻ sọc trong các thiết kế từ năm 2007, tuy nhiên, sau khi Adidas lên tiếng phản đối, Thom Browne đã đồng ý thêm đường kẻ thứ 4 để tránh cuộc chiến pháp lý.
MỖI BÊN MỘT LÝ LẼ RIÊNG
Luật sư của Adidas chỉ ra họa tiết kẻ sọc từ 2 thương hiệu giống nhau đến mức người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn. Vụ việc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Thom Browne mở rộng sang kinh doanh quần áo thể thao. Adidas cho rằng Thom Browne vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh: "Thom Browne đã cạnh tranh trực tiếp với Adidas bằng cách sản xuất các sản phẩm quần áo thể thao có kiểu dáng giống Adidas một cách khó hiểu".
Ngoài ra, theo Adidas, Thom Browne còn "lấn sân" vào các thị trường cốt lõi của thương hiệu, đơn cử như bóng đá. Thom Browne đã ký hợp đồng hợp tác với câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng Barcelona vào mùa giải 2018 - 2019 và kéo dài cho đến năm 2021. Thậm chí, họ còn sử dụng hình ảnh của các cầu thủ bóng đá được Adidas tài trợ, trong đó nổi bật nhất là Lionel Messi.
Thậm chí, Thom Browne đăng ký nhãn hiệu tại Liên minh Châu Âu và Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (U.S. Patent and Trademark Office). Bên cạnh đó, Adidas cũng cho biết, cố vấn nội bộ của Adidas đã cố gắng thương lượng giải pháp với luật sư của Thom Browne vào mùa hè năm 2018 nhưng không mang lại kết quả.
Đến tháng 12/2020, Adidas đã đệ đơn phản đối lên Hội đồng Xét xử và Khiếu nại về nhãn hiệu của Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ yêu cầu họ từ chối cho Thom Browne đăng ký nhãn hiệu. Lý do Adidas đưa ra là hai nhãn hiệu quá giống nhau và nhãn hiệu của Adidas đã tồn tại rất lâu trước đó. Hai bên đã đồng ý gia hạn thời gian để có thể giải quyết vấn đề một cách hòa nhã nhưng không mang lại kết quả như ý muốn.
Do đó, Adidas đã đâm đơn kiện ngay lập tức, đưa ra các khiếu nại về việc vi phạm nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh và tìm cách cấm Thom Browne phân phối, tiếp thị và bán các sản phẩm quần áo, giày dép có sử dụng họa tiết tương tự Adidas.
Theo Vogue Business, phía Luật sư phía Thom Browne thì lập luận rằng hai công ty không có cùng đối tượng khách hàng, hơn nữa họ là một thương hiệu thời trang cao cấp lâu đời, nên không có nhu cầu “làm giả” sản phẩm của một thương hiệu khác. Adidas là thương hiệu thể thao, trong khi Thom Browne phát triển theo hướng nhà mốt cao cấp, xa xỉ. Thom Browne bán lẻ một đôi tất kẻ sọc với giá 120 USD, sản phẩm tương tự của Adidas có giá khoảng 16 USD cho ba đôi. "Ngoài ra, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp khách hàng nào nhầm lẫn về hai họa tiết", công ty Thom Browne cho biết.
Trong khi những đường kẻ sọc trở thành yếu tố đặc trưng trên giày, quần áo thể thao của Adidas, họa tiết này được Thom Browne sử dụng để tạo điểm nhấn cho các bộ suit, áo phông, áo phao... Jeff Trexler, phó giám đốc tại Viện Luật Thời trang, chỉ ra rằng: "Theo cách bên phía Adidas giải thích, sau khi Thom Browne đồng ý không sử dụng chi tiết 3 sọc, thương hiệu Đức không lường trước được việc nhà mốt Mỹ sẽ chuyển sang 4 đường kẻ". Sau đó, sự phủ sóng của dòng sản phẩm đồ thể thao từ Thom Browne đã dẫn đến vụ kiện.
ADIDAS KHÔNG NẮM CHẮC PHẦN THẮNG
Adidas vốn có lịch sử tranh tụng lâu đời khi bàn luận đến họa tiết 3 đường kẻ sọc. Vào năm 2017, Bloomberg cho biết công ty Đức đã nộp gần 50 vụ kiện để bảo vệ nhãn hiệu của mình. Năm 1949, Adidas lần đầu sử dụng họa tiết 3 sọc trên một đôi giày chạy bộ. Đến năm 1952, nhãn hàng Đức sử dụng độc quyền chi tiết kẻ sọc trên giày dép, và trên quần áo vào năm 1967. Từ đó đến nay, hãng đã giải quyết tranh chấp liên quan đến họa tiết này với Skechers, Juicy Couture và Marc Jacobs.
Logo 3 sọc song song của Adidas được coi là một trong những dấu hiệu nhận diện thương hiệu phổ biến và có giá trị thương mại cao nhất trên toàn cầu hiện nay.
Tuy nhiên, ít người biết rằng Adidas hiện chỉ được bảo hộ nhãn hiệu 3 sọc song song với chiều nghiêng từ phải qua trái trên các sản phẩm giày của mình. Vì vậy, năm 2019, Adidas đã tìm cách thiết lập một nhãn hiệu rộng hơn cho "ba sọc tương đương song song có chiều rộng bằng nhau được áp dụng cho sản phẩm theo bất kỳ hướng nào”. Việc làm này được coi là nỗ lực của Adidas trong việc ngăn chặn các thương hiệu khác sử dụng logo và kiểu dáng tương tự.
Thế nhưng, Tòa sơ thẩm của EU đã từ chối việc đăng kí và khẳng định sự vô hiệu của nhãn hiệu Adidas EU, bao gồm ba sọc song song được áp dụng theo bất kỳ hướng nào. Tòa nêu rõ họa tiết này không phải là hoa văn mà là hình ảnh bình thường, không liên quan đến đặc thù sử dụng và không có màu sắc. Do đó, tòa tuyên bố giữ nguyên quyết định của Văn phòng Tài sản trí tuệ châu Âu (EUIPO) năm 2016, cũng như hủy phán quyết trước đó về việc chấp nhận nhãn hiệu này. Tuy nhiên, Adidas vẫn kháng cáo quyết định lên Tòa án Tư pháp châu Âu.
Trước đó, vào năm 2014, Adidas cũng đã nỗ lực nộp đơn xin mở rộng phạm vi bảo hộ độc quyền cho nhãn hiệu 3 sọc theo bất kì chiều nào trên các sản phẩm quần áo, giày dép. Tuy nhiên, đơn đăng ký của Adidas đã vấp phải sự phản đối từ Shoe Branding Europe - một công ty sản xuất giày có trụ sở tại Bỉ. Năm 2016, Văn phòng Sở hữu trí tuệ châu Âu EUIPO cũng quyết định không cấp bảo hộ độc quyền cho nhãn hiệu 3 sọc theo bất kì hướng nào của Adidas.
Ngay lập tức, Adidas đã khiếu nại quyết định này với tòa án sơ thẩm Châu Âu với lập luận mới. Theo đó, phía luật sư của Adidas đã cố gắng đưa ra các bằng chứng về việc bất kì sản phẩm nào có nhãn hiệu 3 sọc đều được người tiêu dùng cho là sản phẩm của Adidas. Tuy nhiên, số lượng bằng chứng đưa ra không đủ để chứng minh cho lập luận này.
Do đó, các luật sư cho rằng việc Adidas tiếp cận Thom Browne về vấn đề sử dụng họa tiết 3 sọc lần này cũng sẽ không giúp ích gì nhiều trong vụ kiện, do thương hiệu đến từ Mỹ thường sử dụng ba sọc theo chiều thẳng đứng hoặc ngang, chứ không phải chiều nghiêng. "Hơn nữa, Thom Browne là nhà thiết kế lâu đời trong lĩnh vực sang trọng, không phải là thương hiệu thời trang nhanh hay một công ty chuyên gia công hàng may mặc đại trà, và cũng chưa vướng những tranh chấp bản quyền tương tự trước đây”, ông Trexler khẳng định. “Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến phán quyết”.