Cuộc sống của Jack Ma sau vụ "vạ miệng" khiến Alibaba gặp hạn
Theo nguồn tin từ Financial Times, ông Jack Ma, người đồng sáng lập tập đoàn Alibaba và từng là tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, đã sống tại Tokyo, Nhật Bản trong gần 6 tháng qua...
Ông Jack Ma hiện sống kín tiếng giữa lúc chiến dịch siết quản lý của Bắc Kinh đang tiếp tục ảnh hưởng lĩnh vực công nghệ cũng như những doanh nhân quyền lực nhất nước này.
Nguồn tin thân cận cho biết, trong nhiều tháng ở Nhật Bản, ông Jack Ma cùng gia đình thường xuyên lui tới các suối nước nóng và khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở vùng quê ngoại ô Tokyo. Gia đình ông cũng thường tới Mỹ và Israel.
Vị tỷ phú gần như biến mất khỏi truyền thông kể từ sau sự cố vạ miệng 2 năm trước, khi ông lên tiếng chỉ trích các nhà chức trách Trung Quốc, nói rằng các ngân hàng nhà nước Trung Quốc có “tư tưởng cầm đồ”, đồng thời kêu gọi những tổ chức tài chính mới cấp tín dụng cho những người nghèo có tài sản thế chấp.
Không lâu sau đó, cả hai công ty do ông sáng lập - tập đoàn Alibaba và startup công nghệ tài chính Ant Financial - rơi vào “tầm ngắm“ của nhà chức trách Trung Quốc và liên tục gặp phải những rắc rối pháp lý. Thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỷ USD đã lên kế hoạch của Ant bất ngờ bị đình chỉ sát ngày. Còn Alibaba năm ngoái lĩnh án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vì tội kinh doanh độc quyền.
Việc ông Jack Ma vắng mặt khỏi Trung Quốc diễn ra trùng với thời điểm các biện pháp phòng chống dịch Zero Covid của Bắc Kinh được siết mạnh năm nay. Hồi tháng 4, Thượng Hải và khu vực đồng bằng sông Dương Tử bị áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt. Thời gian gần đây, nhiều khu vực tại Trung Quốc tiếp tục bị phong tỏa do dịch bệnh bùng mạnh.
Sau khi mất mối quan hệ hòa hảo với nhà chức trách Trung Quốc, tỷ phú này xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Tây Ban Nha và Hà Lan. Trong suốt thời gian sống tại Nhật, ông Jack Ma sống kín tiếng khi luôn có đầu bếp và vệ sĩ riêng, hạn chế hoạt động công khai - nguồn tin cho biết.
Các hoạt động xã hội của ông tại đây chủ yếu xoay quanh một số ít câu lạc bộ độc quyền, trong đó có một câu lạc bộ nằm ở quận Ginza và một câu lạc bộ khác ở khu tài chính Marunouchi đối diện với Cung điện Hoàng gia. Theo các thành viên, câu lạc bộ độc quyền nằm ở Ginza lâu nay là một trung tâm giao lưu xã hội nổi tiếng như kín đáo dành cho người giàu Trung Quốc sống tại Tokyo hoặc đang có chuyến công du dài ngày ở đây.
Những người có hiểu biết về nghệ thuật hiện đại Nhật Bản cho biết người đồng sáng lập Alibaba hiện là một nhà sưu tầm nghệ thuật nhiệt thành. Những người bạn thân ở Trung Quốc cho biết vị tỷ phú đã chuyển sang vẽ màu nước để giết thời gian sau khi buộc phải rút khỏi cuộc sống bận rộn với các cuộc họp cùng những nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc và toàn cầu trước đó.
Một số người khác cho biết ông Jack Ma đã dành thời gian ở Nhật Bản để tìm kiếm các lĩnh vực kinh doanh khác mà ông quan tâm ngoài thương mại điện tử và công nghệ tại chính, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất bền vững. Hiện tại, ông đã chuyển giao phần lớn quyền lực tại Alibaba và Ant Financial cho thế hệ lãnh đạo mới.
Thời gian qua, nơi ở của nhà sáng lập Alibaba trở thành chủ đề được nhiều người đồn đoán sau khi ông được thấy xuất hiện ở đảo Mallorca của Tây Ban Nha vào năm ngoái, theo truyền thông địa phương. Tháng 7 năm nay, ông cũng đã đến thăm một trường địa học ở Hà Lan để tìm hiểu về sản xuất thực phẩm bền vững.
Các hoạt động liên quan tới chương trình đào tạo giám đốc điều hành ưu tú của Đại học Hupan do ông Jack Ma thành lập 7 năm trước cũng lắng xuống sau khi một số quan chức hàng đầu Trung Quốc xem đây là phương tiện để ông mở rộng mạng lưới của mình.
Tổ chức từ thiện Quỹ Jack Ma - nơi ông Jack Ma từng cam kết cống hiến thời gian sau khi thôi việc tại Alibaba - gần đây cũng ít quảng bá. Dòng đăng tải cuối cùng trên Twitter của quỹ này là vào tháng 11/2020, ngay sau khi nhà chức trách Trung Quốc đẩy mạnh siết quản lý với các công ty và doanh nhân công nghệ.
6 tháng sống tại Nhật của ông Jack Ma cũng trùng với thời điểm SoftBank có động thái bán tháo kỷ lục cổ phiếu Alibaba sau khi tập đoàn Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề bởi vận đen của ngành công nghệ năm nay.