Đà Nẵng: Hoạt động du lịch và dịch vụ tiêu dùng 10 tháng 2022 tăng trưởng mạnh
Hoạt động du lịch và dịch vụ tiêu dùng của Đà Nẵng đã tăng trưởng mạnh trong 10 tháng đầu năm 2022 là nhờ thành phố đã thực hiện tốt công tác quảng bá hình ảnh, kích cầu du lịch cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh...
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2022 của thành phố ước đạt 90.984 tỷ đồng, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 54.543 tỷ đồng, chiếm 60,0% tổng mức và tăng 18,3%; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 15.114 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng mức và tăng 78,0%; du lịch lữ hành và hỗ trợ du lịch đạt 1.751 tỷ đồng, chiếm 1,9% và gấp 8,4 lần cùng kỳ; dịch vụ tiêu dùng khác đạt 19.576 tỷ đồng, chiếm 21,5% và tăng 156,5%.
Hoạt động du lịch, dịch vụ, lữ hành có mức tăng trưởng ấn tượng, 10 tháng năm 2022, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 3,1 triệu lượt, tăng 182,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt 354,4 nghìn lượt, tăng 275,5%; khách trong nước hơn 2,73 triệu lượt, tăng 173,6%. Số ngày lưu trú bình quân tính chung cho khách ngủ qua đêm 10 tháng ước đạt 2,3 ngày/lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 2,1 ngày/lượt; khách trong nước 2,3 ngày/lượt.
Đáng chú ý, hoạt động lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch đã phục hồi mạnh mẽ, doanh thu 10 tháng ước đạt 1.751 tỷ đồng, gấp 8,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ngay từ đầu năm 2022 ngành Du lịch thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động nổi bật trong thời gian qua nhằm thu hút, quảng bá sản phẩm du lịch Đà Nẵng đến du khách trong và ngoài nước, đã tác động không nhỏ đến doanh thu hoạt động ngành du lịch trong 10 tháng năm 2022.
Trong năm, thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực thực hiện vai trò là trung tâm tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế; đón và phân phối khách du lịch cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên như: Tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan…; mở lại các đường bay quốc tế đầu tiên đến từ Singapore,Thái Lan, Hàn Quốc và Mumbai, Newdelhi (Ấn Độ); tổ chức hội nghị xúc tiến thị trường và đón các đoàn famtrip, presstrip từ Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ…
Cùng với đó, Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện đặc sắc, quy mô quốc tế thu hút khách như: Tổ chức Diễn đàn phát triển đường bay châu Á - Routes Asia 2022, Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2022; Lễ hội văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc 2022. Theo ông Bình, để thu hút lượng khách trong và ngoài nước tìm đến Đà Nẵng nhiều hơn trong thời gian đến, các ngành chức năng của thành phố đang tiếp tục duy trì và liên tục xây dựng kế hoạch phối hợp cộng đồng doanh nghiệp tổ chức thêm nhiều sự kiện hấp dẫn và kiến tạo các sản phẩm mới đẳng cấp để thu hút du khách, xây dựng được thương hiệu Đà Nẵng là “Thành phố sự kiện”.
Lĩnh vực thương mại hàng hoá, 10 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn Đà Nẵng ước đạt 54.543 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó toàn bộ 12 nhóm hàng hóa đều có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2021. Một số nhóm hàng đạt mức tăng trên mức tăng bình quân chung như: hàng may mặc (+39,5%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (+48,4%); xăng, dầu các loại (+33,2%); đá quý, kim loại quý (+57,9%)...
Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10 ước đạt 5.864,7 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 17,4% so với tháng cùng kỳ năm 2021. Trong đó bán lẻ trong hệ thống siêu thị ước đạt 301 tỷ đồng, tăng 10,2% so với tháng cùng kỳ.
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, cho biết trong tháng 10/2022, thành phố hứng chịu một lượng mưa lớn chưa từng xảy ra trong lịch sử, nhiều tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn Đà Nẵng bị ngập sâu trong nước; tình trạng xe cộ, máy móc, thiết bị... hư hại nhiều, dẫn đến một số nhóm hàng có mức tăng đột biến so với tháng trước và cùng kỳ năm 2021.
Trong 8/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có chỉ số dương so với tháng trước, có một số nhóm hàng bị tác động trực tiếp bởi trận lũ lụt vừa qua, cụ thể như: Sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy (+73,1%); đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (+5,1%). Mặc dù cũng thuộc nhóm hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ trận lũ lụt vừa qua nhưng do yếu tố giá thành ở một số phương tiện đi lại giảm sau những chuỗi ngày tăng liên tiếp do thiếu linh kiện, mặt khác nhu cầu mua sắm xe giảm nhiều so với tháng 9 (vì tháng 9 là thời điểm sinh viên nhập học nên nhu cầu mua sắm cao hơn các tháng trong năm) nên doanh thu nhóm hàng phương tiện đi lại giảm 4,3% so với tháng 09/2022.