Ngôi nhà tránh lũ rất “có gu” ở vùng quê Đà Nẵng
Có diện tích 257 m², nằm tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang - cách khá xa trung tâm thành phố Đà Nẵng, ngôi nhà là mơ ước về một mái ấm yên bình và thơ mộng của một đôi vợ chồng trẻ và 2 chú chó cưng…
Nơi công trình tọa lạc là 1 một vùng quê êm đềm với cánh đồng và những bụi tre xanh ngát. Sau rặng núi phía xa, hàng ngày có thể từ trong nhà nhìn ngắm cả hoàng hôn và bình minh. Tuy nhiên, đặc điểm bất lợi của khu đất chính là việc nơi này thường xuyên đón những trận lũ hàng năm với mực nước dâng cao hơn 1m. Bên cạnh đó, diện tích đất nhỏ với mật độ công năng dày đặc cũng là một đề bài khó cho đội ngũ thiết kế của Hinz Studio.
Cuối cùng, giải pháp các kiến trúc sư đưa ra là một ngôi nhà “tổ chim” với không gian tầng trệt bỏ trống, đưa các công năng chính lên các tầng trên. Việc này vừa giúp đề phòng lũ lụt thường niên, vừa giải phóng tầm nhìn cảnh quan. Các không gian chức năng được thiết kế tinh gọn với diện tích tối thiểu nhưng đồng thời cũng phải khai thác tốt được giá trị của cảnh quan thiên nhiên bên ngoài.
Ngôi nhà có diện tích mặt sàn 70 m2, với ba tầng và một gác mái. Với không gian bên trong, việc mở tầm nhìn ra bên ngoài tự nhiên là điều tất yếu. Tuy nhiên, nhóm thiết kế cho rằng mọi thứ nên cần được cân đối để cảm xúc vừa đủ và đạt được sự tinh tế cần thiết. Từ thiết kế này, tầng một chủ yếu là chỗ để xe và là nơi uống cà phê sáng và trà chiều của gia chủ. Tầng hai và phần sàn để xe lần lượt cao 3,6 m và 1,2 m so với mặt sân tầng một. Độ cao này phù hợp để đồ đạc và các phòng công năng không bị ngập nước khi mùa lũ tới.
Phía bên ngoài, kiến trúc sư lấy màu xám của bê tông làm chủ đạo gợi nên nét thô mộc, hòa hợp với cảnh quan vườn cây, ruộng lúa xung quanh. Gạch nung đỏ được sử dụng điểm xuyết từng mảng cả bên trong lẫn bên ngoài, nhằm tạo điểm nhấn cho không gian vốn chủ yếu là sắc xanh cây cỏ. Mỗi góc nhỏ trong nhà đều hướng ra cánh đồng lúa nhờ cửa sổ kích thước rộng. Rất nhiều những ô cửa sổ vì thế được thiết kế dưới dạng khung tranh, chứa bức tranh cảnh vật đang “sống”. Nhờ vậy, ngôi nhà không chỉ đẹp khi nhìn từ ngoài, mà còn đẹp khi đứng bên trong nhìn ra.
Trong khi những mái vòm cửa sổ phòng khách, bếp... giúp làm mềm những không gian thô cứng, nâng cao tính thẩm mỹ cho công trình. So với tổng thế không gian nội thất, những ai tinh ý sẽ nhận ra có một khu vực bếp nấu với chút khác biệt. Đó là vì nữ chủ nhân của căn nhà là một thợ làm bánh. Khu vực làm bánh với màu sắc và ánh sáng trắng là cần thiết để giúp chị làm ra những chiếc bánh kem chuẩn chỉnh.
Theo kiến trúc sư, những không gian tĩnh và mang tính riêng tư như phòng ngủ được đưa về hướng Bắc, là hướng vừa ngắm được trọn vẹn cánh đồng vừa hưởng gió mát. Không gian bếp và vệ sinh được đưa về hướng Đông và Đông Nam. Đây là hướng ngắm mặt trời mọc và cũng là hướng nhìn xuống khu đất trồng rau nuôi gà bên dưới. Các không gian đối ngoại như phòng khách được đẩy về hướng Tây Nam. Để đảm bảo sự riêng tư, phần tường và cửa kính có treo thêm rèm nâu giúp lọc ánh sáng, giảm độ nắng gắt và tạo sự tách biệt.