Đà tăng chững lại, loạt cổ phiếu nhỏ vẫn rất nóng
VN-Index đóng cửa hôm nay tăng 1,45% tương đương +18,28 điểm, thực ra là đã suy yếu một chút trong phiên chiều khi chốt phiên sáng đã tăng tới 22,2 điểm. Thanh khoản chiều nay cũng không tăng mà còn giảm, đại đa số các blue-chips cũng tụt giá. Duy có nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn rất mạnh, cả loạt mã kịch trần...
VN-Index đóng cửa hôm nay tăng 1,45% tương đương +18,28 điểm, thực ra là đã suy yếu một chút trong phiên chiều khi chốt phiên sáng đã tăng tới 22,2 điểm. Thanh khoản chiều nay cũng không tăng mà còn giảm, đại đa số các blue-chips cũng tụt giá. Duy có nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn rất mạnh, cả loạt mã kịch trần.
Giao dịch sôi động vẫn được duy trì, nhưng thị trường không tiến triển thêm được do bắt đầu gặp khối lượng cổ phiếu chặn bán dày đặc ở vùng giá cao. Nhà đầu tư không bán hạ giá mà chờ cho người mua chủ động khớp vào, dẫn tới trạng thái giao dịch giằng co trong vùng giá cao đồng thời thanh khoản giảm.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn phiên chiều chỉ đạt 12.449 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,6% so với phiên sáng. Riêng HoSE giảm gần 2%, đạt 11.522 tỷ đồng. Tính chung cả ngày, HoSE và HNX khớp thành công 24.974 tỷ đồng, tăng gần 48% so với phiên cuối tuần trước. Đây là ngưỡng thanh khoản cao nhất 6 phiên.
Nhóm cổ phiếu blue-chips chững giá rất rõ là nguyên nhân chính khiến thị trường không có diễn biến khác biệt rõ ràng. Thống kê cho thấy có tới 19/30 cổ phiếu tỏng rổ blue-chips VN30 tụt giá so với mức chốt cuối phiên sáng, chỉ 7 mã lên cao hơn. Nhiều mã tụt giá có vốn hóa đáng kể: VIC tụt 1,01%, đóng cửa còn tăng 0,92% so với tham chiếu; VCB tụt 0,68% còn tăng 1,15%; GAS tụt 0,86% còn tăng 0,37%; BID tụt 2,17% còn tăng 0,42%; GVR thậm chí đảo chiều thành giảm 0,43% sau khi rơi tới 1,27% chiều nay. VPB, VNM, TCB, SAB, MSN là các mã vốn hóa khá lớn khác cũng suy yếu. Thanh khoản của rổ VN30 chiều nay thậm chí giảm 5,4% so với phiên sáng.
VN30-Index đóng cửa lại tăng 1,71% cũng suy yếu so với mức tăng 1,91% thời điểm cuối phiên sáng. Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục duy trì được STB ở ngưỡng kịch trần nhưng chỉ có ACB, HDB là nhích giá cao hơn phiên sáng, còn lại đều đi lùi. VCB, MBB, CTG, STB vẫn còn nằm trong nhóm dẫn dắt hàng đầu của VN-Index nhưng cổ phiếu ngân hàng không còn áp đảo. FPT, HVN, HPG, BCM cũng là các mã khác kéo điểm khá tốt. Thanh khoản của nhóm ngân hàng trên sàn HoSE hôm nay tăng gần 66% so với phiên cuối tuần trước và chiếm khoảng 20,8% tổng khớp sàn này, thị phần lớn nhất trong 10 phiên trở lại đây.
Các blue-chips chững lại nhưng không lùi giá nhiều là điều kiện tốt để ổn định VN-Index. Chỉ số này hầu như đi ngang suốt cả phiên chiều, ủng hộ dòng tiền vận động mạnh ở các cổ phiếu vừa và nhỏ. Độ rộng sàn HoSE có kém đi một chút nhưng không rõ ràng với 367 mã tăng/96 mã giảm (chốt phiên sáng là 370 mã tăng/46 mã giảm). Thậm chí số mã kịch trần cuối ngày còn tăng lên 15, trong đó thêm POW, IJC, CMG gia nhập nhóm với thanh khoản hàng trăm tỷ đồng mỗi mã. Ngoài ra có thêm 143 cổ phiếu khác tăng từ 1% tới dưới ngưỡng trần.
Ngoài nhóm kịch trần thanh khoản lớn nói trên, nhiều cổ phiếu giao dịch rất ấn tượng là DCM tăng 3,6%, khớp lệnh 423,6 tỷ đồng; NVL tăng 3,46% khớp 415,8 tỷ; HAG tăng 3,45% với 380,8 tỷ; KDH tăng 4,97% với 306,7 tỷ; PDR tăng 3,17% với 299,1 tỷ; CII tăng 4,07% với 257,5 tỷ; PC1 tăng 3,53% với 191,4 tỷ…
Một điều khá bất ngờ là hôm nay thanh khoản trong nhóm vốn hóa nhỏ lại tương đối chậm, rổ VNSmallcap khớp lệnh 2.700 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 3,6% so với phiên trước trong khi thanh khoản rổ VN30 cả ngày tăng 55,3%, Midcap tăng 62,2%. Dù vậy nhiều cổ phiếu nhỏ vẫn tăng nóng cho thấy khả năng điều tiết thanh khoản là lợi thế rất lớn. Hơn nữa mức tăng giao dịch của nhóm ngân hàng đã chiếm 25% tổng mức tăng trong phiên. Cổ phiếu bất động cũng cho thấy khả năng thu hút dòng tiền mạnh mẽ và giá đều rất khỏe như mới đề cập ở trên.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay có tăng bán ra, mức ròng trên HoSE khoảng 182,3 tỷ đồng, trong khi buổi sáng mới bán ròng 62,8 tỷ. Khá nhiều mã bị xả mạnh là MWG -129,6 tỷ, FPT -101,7 tỷ, TCB -99,6 tỷ, VCB -86,5 tỷ, VHM -56,2 tỷ, VND -48,3 tỷ, PNJ -41,9 tỷ… Bên mua có MBB +139,6 tỷ, HPG +68,6 tỷ, DPM +51 tỷ, STB +49 tỷ, MSN +45,9 tỷ…