Đại học Oxford phát triển vaccine trị ung thư dựa trên công nghệ vaccine Covid-19 AstraZeneca
Dự kiến, vaccine điều trị ung thư này sẽ được đưa vào thử nghiệm trên người trong năm nay với 80 bệnh nhân ung thư phổi...
Nghiên cứu mới của trường Đại học Oxford (Anh) và Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig cho thấy công nghệ đằng sau vaccine ngừa Covid-19 do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca phát triển có khả năng điều trị ung thư.
Theo thông tin đăng tải trên website của Đại học Oxford, các nhà khoa học của trường này và Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig đang phát triển một loại vaccine ngừa ung thư dựa trên công nghệ vec-tơ virus của vaccine Covid-19 Oxford-AstraZeneca. Các nhà nghiên cứu đã thiết kế một loại vaccine ung thư tiêm 2 liều với công nghệ này.
Khi thử nghiệm trên khối u ở chuột, vaccine điều trị ung thư trên đã làm tăng nồng độ tế bào T xâm nhập vào khối u, tạo ra kháng thể chống lại tế bào ung thư và cải thiện hiệu quả của liệu pháp miễn dịch ung thư.
So với liệu pháp miễn dịch đơn thuần, việc kết hợp với vaccine cho thấy kích thước khối u giảm nhiều hơn và tăng tỷ lệ sống sót ở chuột. Vaccine này dự kiến được đưa vào thử nghiệm trên người trong năm nay với 80 bệnh nhân bị ung thư phổi không tế bào nhỏ (Non-small cell lung cancer) - một loại ung thư phổi phổ biến hơn và có tốc độ lây lan chậm hơn loại ung thư phổi tế bào nhỏ.
Nghiên cứu vaccine này được thực hiện bởi nhóm của Giáo sư Benoit Van den Eynde thuộc Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig, cùng với Giáo sư Adrian Hill và Tiến sĩ Irina Redchenko của Viện Jenner thuộc Đại học Oxford. Nghiên cứu đã được đăng tải trên Tạp chí về Liệu pháp miễn dịch ung thư (SITC) thuộc Hiệp hội liệu pháp miễn dịch bệnh ung thư (SITC).
Liệu pháp miễn dịch ung thư - kích thích hệ miễn dịch tự thân của bệnh nhân để chống lại khối u - đã giúp cải thiện đáng kể hiệu quả điều trị cho một số bệnh nhân ung thư.
“Công nghệ vaccine này có khả năng sẽ tạo ra một cuộc các mạng trong điều trị bệnh ung thư”, Giáo sư Adrian Hill, Giám đốc Viện Jenner cho biết.
Việc nghiên cứu vaccine đang phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khi các nhà khoa học và chính phủ hành động nhanh hơn bao giờ hết, sử dụng nhiều nguồn lực để thử nghiệm và phát triển loại vaccine ngăn ngừa virus SARS-nCoV-2.
Cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này đã chứng kiến sự ra đời của các công nghệ vaccine như RNA thông tin - công nghệ chưa từng được sử dụng trong một sản phẩm nào trên thị trường. Điều này cho thấy tiềm năng của các công nghệ này để ứng dụng trong việc điều trị các bệnh khác như ung thư.