Đàm phán VPA/FLEGT: Cuộc đấu trí gay cấn
Hiệp định VPA/FLEGT đã trở thành một trong những nội dung cam kết trong Chương 13: Thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đây cũng chính là công cụ giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về quản lý rừng bền vững, thực hiện cam kết COP 26 “đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050...
Trước khi nghỉ hưu để đảm nhiệm Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Tường Vân là Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế của Tổng cục Lâm nghiệp, đã trực tiếp tham gia suốt quá trình đàm phán VPA/FLEGT về thương mại gỗ với EU. Xuyên suốt quá trình đàm phán và ngay cả khi triển khai thực thi VPA/FLEGT, là những cuộc “đấu trí” gay cấn giữa hai bên. Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam-VnEconomy, bà Nguyễn Tường Vân đã chia sẽ những câu chuyện thú vị xoay quanh VPA/FLEGT.
Xin bà cho biết vì sao Việt Nam phải đàm phán VPA/FLEGT với EU?
Hàng năm thế giới mất đi 100 triệu ha rừng trong giai đoạn 2000-2010. Nhằm chống lại nạn khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp ở các nước sản xuất, năm 2008, Hoa Kỳ sửa đổi đạo Luật Lacey (có hiệu lực từ tháng 4/2010): cấm nhập khẩu gỗ bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, đưa hình thức xử phạt rất nặng đối với người vi phạm.
Năm 2003, EU bắt đầu khởi động Chương trình FLEGT “Quản trị rừng và thương mại lâm sản”. Năm 2010, Ủy ban châu Âu (EC) ban hành quy chế gỗ hợp pháp (EUTR 995) có hiệu lực từ tháng 3/2013: cấm nhập khẩu gỗ bất hợp pháp vào EU.
Tuy nhiên, Luật của EU chỉ áp dụng đối với công dân EU, chứ không áp dụng đối với doanh nghiệp (công dân) Việt Nam, và họ cũng không đề nghị Việt Nam đàm phán VPA/FLEGT. Nhưng khi các đối tác ở EU yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ của nước ta phải cung cấp các giấy tờ chứng minh gỗ hợp pháp đó cho mỗi lô hàng, thì các doanh nghiệp nước ta rất lúng túng.
Trước thực tế này, năm 2010, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã gửi đơn đề nghị Chính phủ đàm phán với EU về vấn đề VPA/FLEGT. Chính phủ phải suy xét 4 tháng mới thấy việc đàm phán là cần thiết, từ đó yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp triển khai đàm phán.
Thực tế đến nay cho thấy đàm phán VPA/FLEGT là đúng đắn. Không chỉ EU và Hoa Kỳ yêu cầu tính hợp pháp của gỗ, mà sau đó hầu hết các quốc gia tiêu thụ gỗ đều đòi hỏi gỗ phải hợp pháp. Australia ban hành Luật Chống khai thác gỗ bất hợp pháp, có hiệu lực từ 30/11/2014. Nhật Bản đưa ra “Luật Gỗ sạch” vào năm 2016. Hàn Quốc ban hành Luật Sử dụng gỗ bền vững có hiệu lực từ 1/10/2018.
Trong quá trình đàm phán VPA/FLEGT có gặp những khó khăn nào không, thưa bà?
Cuộc đàm phán này thực sự là một cuộc "đấu trí" giữa đoàn đàm phán phía Việt Nam và đoàn đàm phán phía EU. Rất nhiều vấn đề bất đồng giữa hai bên tưởng như không thể giải quyết nổi, đã từng có lúc việc đàm phán phải ngừng lại tới 2 năm. Đây cũng chính là lý do khiến thời gian đàm phán kéo dài tới 6 năm, bắt đầu diễn ra từ năm 2011, nhưng mãi đến năm 2017 mới kết thúc đàm phán và đến năm 2018 mới ký kết được Hiệp định.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43 phát hành ngày 24-10-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: