Đẩy mạnh phát triển nhân lực chất lượng cao theo ngành, lĩnh vực
Để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề ra nhiều nhóm giải pháp thực hiện, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực...
Đây là một trong những nội dung được nêu tại Kế hoạch về triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Theo đó, để triển khai Nghị quyết số 06, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá thực tiễn và tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, giáo dục nghề nghiệp. Tập trung xây dựng Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Cùng với đó, nghiên cứu, nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế theo các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn.
Bộ cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững; tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững.
Đồng thời, xây dựng mạng lưới thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường lao động, nhu cầu kỹ năng tương lai; đầu tư nghiên cứu xây dựng, thường xuyên phân tích và công bố dự báo thị trường lao động theo ngành, nghề, vùng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Từ đó, làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời hiệu quả các chính sách về lao động - việc làm, an sinh xã hội, cung cấp thông tin thị trường lao động cho học sinh, sinh viên, người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu.
Công tác đào tạo và tạo cơ hội tiếp cận giáo dục, đào tạo với mọi người dân sẽ theo hướng nâng cao hiệu quả hơn nữa; gắn kết chặt chẽ đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội, phù hợp với các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, chú trọng đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chủ động xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Nhiệm vụ quan trọng nữa là đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc theo hướng tinh gọn, hiệu quả; hình thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tính chất hạt nhân, dẫn dắt, lan tỏa và thống nhất đầu mối quản lý một số trường chất lượng cao, trường thực hiện chức năng trung tâm vùng, trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Trong đó, sẽ tiến hành thí điểm và triển khai hiệu quả mô hình đào tạo tại doanh nghiệp; chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên để nâng cao trình độ kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình “Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị và điều kiện bảo đảm chất lượng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20”.
Thực hiện các biện pháp để giải quyết tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại. Chú trọng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để tăng cường kết nối cung - cầu lao động qua nền tảng số.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ được tăng cường, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của lao động.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức thực hiện phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng và tổ chức các chính sách, chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phát triển mô hình đào tạo nghề nông nghiệp kết hợp với học văn hóa trung học phổ thông ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, góp phần đẩy mạnh phân luồng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp.