Đến năm 2030, hoàn thành 85% diện tích bản đồ địa chất, khoáng sản
Mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành 85% diện tích lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các cấu trúc có triển vọng ở khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 1/4/2023 phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
HOÀN THÀNH CÔNG TÁC ĐIỀU TRA ĐỊA CHẤT
Trong đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là cơ bản hoàn thành công tác điều tra địa chất, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quan trọng phần đất liền; điều tra địa chất, khoáng sản vùng biển ven bờ, hải đảo; phát hiện, điều tra khoáng sản vùng biển sâu, xa bờ;
Điều tra các điều kiện địa chất khác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dự trữ khoáng sản quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai. Thăm dò đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2045 đối với khoáng sản: than, urani, titan - zircon, đất hiếm, apatit, đồng, niken, thiếc, bauxit, cát thủy tinh cùng một số khoáng sản khác;
Cân đối giữa khai thác và dự trữ khoáng sản quốc gia đối với một số khoáng sản chiến lược, quan trọng, quy mô lớn. Đầu tư công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản đạt trình độ các nước tiên tiến khu vực châu Á và các nước phát triển, hình thành công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thích ứng biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon; chấm dứt cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu…
Còn mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, hoàn thành 85% diện tích lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các cấu trúc có triển vọng ở khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ.
Điều tra, đánh giá lập bản đồ tai biến địa chất, địa chất môi trường các tỉnh thuộc khu vực miền núi, vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long; điều tra lập bản đồ di sản địa chất toàn quốc; hoàn thành điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ…
Hoàn thành điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các khu vực biển ven bờ có triển vọng khoáng sản sa khoáng và vật liệu xây dựng; điều tra địa chất tỷ lệ 1:500.000 một số vùng biển sâu, vùng biển quốc tế liền kề, gắn với tìm kiếm, phát hiện khoáng sản biển sâu.
Hình thành các khu công nghiệp chế biến khoáng sản với công nghệ tiên tiến, quy mô tương xứng tiềm năng của từng loại khoáng sản, đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng khu vực; đẩy mạnh việc phát triển các dự án khai thác, chế biến đối với một số khoáng sản như bauxit, titan-zircon, đất hiếm, niken.
Hoàn thành việc chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản nhỏ lẻ, chế biến đá làm vật liệu xây dựng quy mô nhỏ bảo đảm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trước năm 2030. Phát triển công nghệ chế biến sâu các loại khoáng sản trên cơ sở phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, công nghệ...
Phấn đấu đến năm 2045 hình thành nền công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương các nước tiên tiến khu vực châu Á.
ƯU TIÊN LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT KHOÁNG SẢN PHẦN ĐẤT LIỀN
Theo định hướng phát triển, về địa chất ưu tiên thực hiện và hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 phần đất liền, các đảo; điều tra địa chất khoáng sản biển tỉ lệ 1:500.000, điều tra và phát hiện, khoanh định các khu vực có triển vọng khoáng sản, nhất là khoáng sản chiến lược, quan trọng.
Tập trung điều tra, dự báo tai biến địa chất các tỉnh miền núi, trung du; thiết lập hệ thống công nghệ nhận dạng viễn thám toàn diện cho những khu vực tiềm ẩn nguy cơ tai biến địa chất, phân vùng rủi ro, tổng hợp và hình thành mô hình quản lý rủi ro tai biến địa chất, để phục vụ công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Thực hiện giám sát, cảnh báo sớm khu vực nguy hiểm tiềm ẩn tai biến địa chất điển hình, xây dựng mạng lưới quan trắc, cảnh báo sớm thiên tai địa chất quốc gia...
Mặt khác, về khoáng sản, rà soát, khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (than, apatit, cromit, chì - kẽm, titan, bauxit, sắt laterit, đá hoa trắng, cát trắng, đất hiếm) phải trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành; cân đối giữa nhu cầu sử dụng theo quy hoạch và dự trữ lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Hoạt động thăm dò cần theo quy hoạch, phù hợp tiềm năng từng loại khoáng sản.
Về công nghiệp khai khoáng, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản cũng phải tuân thủ quy hoạch, sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, phù hợp tiềm năng từng loại khoáng sản; thu hồi tối đa thành phần có ích, kiểm soát, bảo vệ môi trường.
Nếu các loại khoáng sản quy mô, trữ lượng lớn, tập trung, dự án khai thác mỏ cần gắn với dự án chế biến sâu sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững. Ngoài ra nghiên cứu, sử dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác vật liệu xây dựng ở chân sườn đồi, núi, dọc theo các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ nhằm bảo vệ cảnh quan, môi trường, an ninh, quốc phòng.
Sử dụng khoáng sản cân đối, hài hòa giữa xuất khẩu, nhập khẩu, mà trước hết đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước, cung cấp nguyên liệu cho các dự án chế biến, chỉ xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định...