Đến Phú Yên, nhất định phải ăn món cá ồ
Ở Phú Yên, ngoài các loại cá tôm khác, nhiều ngư dân còn trúng được rất nhiều cá ồ, lưng xanh, lườn trắng, nhỏ cỡ cùm tay, lớn thì bằng bắp tay, dài hơn một gang, bơi từng đàn dập dìu cả vùng biển rộng. Mùa cá ồ rộ là từ khoảng tháng 4 đến tháng 6 âm lịch. Thời điểm này, một đêm trúng mùa, có thuyền đánh được hàng ngàn con cá ồ là chuyện bình thường.
Nếu là cá to thì có thể chế biến nhiều món, từ đơn giản đến cầu kỳ. Nào là cá ồ nấu mẳn (hơi mặn) ăn với bún, nào là cá hấp cuốn bánh tráng, cá nướng chấm muối ớt… Con nào nhỏ quá thì xẻ lườn, trụng sơ để giữ cho lâu, đem bán ở các chợ quê xa tít tắp. Quen mà lạ, lạ mà quen là cảm giác của nhiều người khi được thưởng thức những món này. Ăn cá khi còn tươi thì ăn tới đâu ngọt tới tới đó, thơm phức chứ không hề tanh.
Nếu là cá to thì có thể chế biến nhiều món, từ đơn giản đến cầu kỳ. Nào là cá ồ nấu mẳn (hơi mặn) ăn với bún, nào là cá hấp cuốn bánh tráng, cá nướng chấm muối ớt… Con nào nhỏ quá thì xẻ lườn, trụng sơ để giữ cho lâu, đem bán ở các chợ quê xa tít tắp. Quen mà lạ, lạ mà quen là cảm giác của nhiều người khi được thưởng thức những món này. Ăn cá khi còn tươi thì ăn tới đâu ngọt tới tới đó, thơm phức chứ không hề tanh.
Cá ồ xẻ lườn đem hấp trong xửng, đừng luộc sẽ ra nước mất ngọt. Nhà nào không có xửng, lấy tô úp ngược xuống xoong, đổ ít nước, chất cá bên trên, hấp chín. Cá ồ hấp ăn cùng các loại rau thơm địa phương như húng dũi, húng đứng, cải cay, đinh lăng và bánh tráng. Cá mới hấp lên nóng hổi, thơm phức, gỡ lấy một dải thịt dài đặt vào miếng bánh tráng trong mềm, chọn thêm vài loại rau thơm ưa chuộng, chấm nước chấm sâu cay rồi thưởng thức.
Nếu dùng cá ồ nấu mẳn (hơi mặn) thì phải lựa con tươi, mắt xanh, không đục, ấn vô thịt thấy săn, làm sạch ruột, chừa gan và tim - tuy nhỏ nhưng rất béo. Cắt cá làm ba, nêm mắm, hành củ, thiệt nhiều tiêu bột và màu kho, đổ nước khoảng nửa nồi, để lửa nhỏ liu riu, nước cạn thì châm thêm. Chừng một tiếng, nêm nếm nhắm vừa ăn là nhắc xuống. Gia vị thấm vào từng thớ thịt tươi rói tới tận xương. Nước cá sẫm màu bởi màu kho và tiêu bột, cay xè, chan lên chén cơm ăn với trái ớt xanh dầm, trời ơi nó đã!
Nhưng có lẽ món gây nghiện nhất là cá Ồ bọc lá chuối để nướng. Chọn cá thật tươi, xẻ lườn, ướp hành, tiêu, ớt tỏi cùng muối giã nhỏ, nhét vào bụng cá. Dùng lá chuối cuộn tròn đặt lên vỉ than để nướng. Nướng kiểu này thịt cá khô, giòn, thơm lựng và có mùi vị độc đáo. Gỡ cá cuốn bánh tráng rau xà lách, các loại lá thơm, dừa nạo, miếng cà sống xắt lát, chấm vào chén mắm ruột, loại nước chấm rất Phú Yên, ta cảm nhận một hương vị đặc trưng khó tả. Ở mấy nhà hàng có "sao", thì kiểu cách sang trọng hơn, bọc giấy bạc nướng, kiều này thịt cá không khô giòn, giữ lại toàn bộ nước nên ngọt đậm đà, cũng mang một hương vị khó phai với những cái lưỡi tinh tế trong ẩm thực…
Các món ăn từ cá ồ từ xa xưa đã gắn liền với đời sống của người dân Phú Yên. Khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, cơm không có nhiều nhưng cá thì rất sẵn, nhân dân chỉ đi bắt cá về "ăn trừ bữa". Có lẽ vì thế mà cá ồ Phú Yên được biến tấu thành rất nhiều món ăn khác nhau để đa dạng hơn những bữa cơm nhà. Bây giờ, món ăn này đã trở nên một đặc sản được ưa chuộng bởi tất cả người dân Phú Yên cũng như khách du lịch.Ai tới Phú Yên mà chưa nếm thử món cá ồ dân dã là coi như chưa tới xứ hoa vàng cỏ xanh. Từ các quán hải sản dọc bờ kè Bạch Đằng, những quán nhậu bình dân, đến các quán ăn, nhà hàng, đâu đâu cũng có thể gọi món cá ồ với nhiều cách chế biến. Trong số này, quán bình dân Muội Muội ở góc đường Trần Cao Vân - Nguyễn Công Trứ (TP Tuy Hòa) được xem là quán chuyên cá ồ nướng giấy bạc mà đông đảo khách du lịch rỉ tai rủ nhau đến thưởng thức.