Dịch Covid-19 phức tạp, nhu cầu thuê khách sạn cách ly tăng nhanh tại TP.HCM
Nhu cầu thuê phòng khách sạn cách ly đến từ nguồn khách nhập cảnh, chuyên gia quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài, khách trong nước…
Trên địa bàn TP.HCM đã có 49 khách sạn tham gia cung ứng dịch vụ cách ly tập trung có thu phí, chủ yếu ở quận 7, quận 3, quận Tân Bình.
NHIỀU KHÁCH SẠN THAM GIA KHU CÁCH LY CÓ THU PHÍ
Trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 5 của quý II/2021, các biện pháp giãn cách nhằm khống chế dịch bệnh khiến cho nhu cầu lưu trú khách sạn sụt giảm. Các hoạt động khác trong khách sạn như ẩm thực, hội nghị... cũng ngưng hoạt động, nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa.
Theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), trong thời gian giãn cách ở TP.HCM như hiện nay, công suất phòng ở các khách sạn chỉ còn 2-3%.
Với tình hình hoạt động du lịch bị ngưng vì giãn cách, theo Savills Việt Nam, tính riêng tại TP.HCM đã có 17 dự án khách sạn buộc phải tạm ngưng hoạt động, nguồn cung khách sạn trên địa bàn giảm 11% so với quý I/2021, còn 103 khách sạn đang hoạt động với 13.400 phòng.
So với quý II/2020, nguồn cung khách sạn vẫn tăng 7% khi có 28 dự án hoạt động trở lại. Tuy nhiên, một nửa trong số đó được sử dụng làm cơ sở cách ly tập trung có tính phí.
Nhu cầu thuê phòng khách sạn để cách ly đang tăng nhanh khiến cho số khách sạn tham gia dịch vụ này cũng đông đảo hơn trước. Nếu như cuối tháng 10/2020, trên địa bàn TP.HCM mới chỉ có 14 khách sạn được Uỷ ban nhân dân TP.HCM chọn là nơi cách ly y tế tập trung có thu phí, thì đến tháng 5/2021, đã lên tới 41 khách sạn tham gia cung ứng dịch vụ này, đến 21/6/2021 là 46 khách sạn, đến 01/7/2021 là 49 khách sạn.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trên địa bàn TP.HCM có 49 khách sạn tham gia vào danh sách khu cách ly tập trung, cung ứng hơn 3.200 phòng. Đa số các khách sạn này tập trung ở quận 1 (16 khách sạn); quận 7 (14 khách sạn); quận Tân Bình (10 khách sạn); quận 3 (03 khách sạn); quận 5 (02 khách sạn); huyện Cần Giờ (02 khách sạn); TP. Thủ Đức và huyện Củ Chi (mỗi địa bàn cung ứng 01 khách sạn).
HCDC cho biết, các khách sạn sử dụng làm khu cách ly có thu phí phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về bố trí, sắp xếp các khu vực phục vụ cách ly tại khách sạn; bảo đảm cơ sở vật chất, dịch vụ vệ sinh buồng phòng, ăn uống, giặt ủi, khử khuẩn,… phục vụ nhu cầu của người được cách ly; bảo đảm tập huấn toàn bộ nhân viên khách sạn phục vụ cách ly; phổ biến quy định cách ly y tế tại khu vực tiếp đón và từng phòng nghỉ cách ly; phát khẩu trang y tế cho người được cách ly trong suốt thời gian lưu trú tại khách sạn.
"Nhu cầu cách ly tập trung đến từ nguồn khách nhập cảnh, chuyên gia quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài, quan chức nhà nước, khách trong nước, quan chức và một phần đội ngũ tiếp ứng chống dịch đến từ các tỉnh, thành phố khác nhằm giúp TP.HCM khống chế sự lây lan Covid-19 trong cộng đồng… nhu cầu cách ly tại khách sạn đang gia tăng", Savills Việt Nam nhận định.
CẢI THIỆN NGUỒN THU TỪ DỊCH VỤ CÁCH LY
Số liệu của đơn vị này cũng ghi nhận công suất phòng khách sạn trong quý II/2021 chỉ đạt 18%, tăng nhẹ 1% theo quý, do nguồn cung giảm.
So với thời điểm quý II/2020 khi dịch Covid lần đầu bùng phát, công suất quý II/2021 cao hơn 5 điểm phần trăm, với tổng số phòng được thuê tăng 53% theo năm.
Công suất tăng xuất phát từ nhu cầu lưu trú dài hạn và tỷ lệ lấp đầy của khách sạn cách ly đạt trên 60%. Từ quý II/2020, giá phòng tăng trung bình 3% theo quý, đạt 69 USD/phòng/đêm.
Dù ngành du lịch và các ngành giải trí đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2021 tại TP.HCM vẫn đạt hơn 1,5 tỷ USD (hơn 7,1 triệu lượt khách đến thành phố), tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, theo Sở Du lịch TP.HCM.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2024. Trong đó, miễn dịch cộng đồng là yếu tố then chốt. Việt Nam nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2021.
Kỳ vọng phục hồi sau đại dịch của ngành khách sạn có nhiều triển vọng khi hứa hẹn có sự tham gia của các thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng. Đến cuối năm 2023, TP.HCM sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn, 70% đến từ các thương hiệu tên tuổi như Fusion, Hilton và InterContinental.