Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát, ngành Thú y yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó
Dịch tả lợn châu Phi hiện đang tái bùng phát phức tạp và lan rộng tại nhiều địa phương: Hải Phòng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Nam… với số lượng tiêu huỷ ở mức lớn. Cục Thú y vừa có Văn bản số 1276/TY-DT gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông các tỉnh Lạng Sơn và Bắc Kạn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi…
Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết tính đến ngày 9/6/2024, cả nước hiện có 196 ổ dịch tả lợn châu Phi thuộc 59 huyện của 18 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số lợn chết và tiêu hủy là 10.612 con.
DỊCH BỆNH DIỄN BIẾN PHỨC TẠP TRÊN ĐÀN LỢN Ở NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG
Riêng tại Lạng Sơn đã xảy ra 55 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 53 xã của 10/11 huyện, thành phố làm 2.374 con lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy (chiếm hơn 13,7% tổng số lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi của cả nước tính từ đầu năm đến nay).
Tại Bắc Kạn, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 81 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 77 xã của 8 huyện làm 4.724 con lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy. Ngoài 2 địa phương trên, một số tỉnh thành cũng có số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy nhiều như: Quảng Ninh, Hòa Bình, Long An…
"Trong những ngày tới, Cục Thú y sẽ thành lập các Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai phòng chống dịch tả lợn châu Phi".
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết Đồng Nai hiện là địa phương có quy mô đàn lợn lớn nhất cả nước, đạt 2,1 triệu con (tính đến cuối tháng 5/2024), tương đương khoảng 8% tổng đàn cả nước. Trong vài năm trước đây, dịch tả lợn Châu Phi lan mạnh nhất ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo việc an toàn sinh học. Tuy nhiên, hiện nay bệnh dịch này cũng đã lan mạnh tại cả những trang trại của các doanh nghiệp lớn.
"Bệnh dịch kèm theo người dân bỏ chuồng do năm ngoái thua lỗ đã ảnh hưởng năng suất của tổng đàn đàn lợn trên địa bàn tỉnh và gây ra tình trạng thiếu hụt. Ước tính đàn lợn tại Đồng Nai giảm khoảng 30%”, ông Công nhận định.
Ông Công cho biết thêm giai đoạn trước Tết Nguyên đán 2024 xảy ra dịch bệnh, nhiều hộ đã bán “chạy dịch”, thậm chí bán non. Điều này khiến nguồn cung trước Tết tăng mạnh, giá heo hơi theo đó giảm chỉ còn khoảng 53.000 đồng/kg. Do đó, đến giai đoạn sau Tết, nguồn cung heo (loại đủ khối lượng xuất chuồng) suy giảm. Dẫn đến thời điểm này, giá heo hơi tăng vọt lên ngưỡng gần 70.000 đồng/kg, cao nhất trong 5 năm qua.
PHẢI XỬ LÝ DỨT ĐIỂM, KHÔNG ĐỂ LÂY LAN THÊM
Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có văn bản số 1276/TY-DT gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Lạng Sơn và Bắc Kạn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Theo đó, Cục Thú y nhận định nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và Bắc Kạn trong thời gian tới là rất cao, do một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh.
Việc tổ chức công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chưa đồng bộ. Rất nhiều chủ gia súc chưa thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y tối thiểu trong phòng, chống dịch bệnh (các hộ chăn nuôi không thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, một số hộ chăn nuôi vẫn sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn); chính quyền cơ sở chưa giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định.
Việc tổ chức xử lý, tiêu hủy lợn bệnh gặp rất nhiều khó khăn do không có đủ lực lượng, thiếu kinh phí mua hóa chất, vôi bột, thuê phương tiện, không có đủ kinh phí cho người tham gia xử lý lợn bệnh…
Công tác xét nghiệm, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ trong vùng dịch chưa thực hiện đúng theo quy định. Báo cáo, thống kê đàn lợn, tình hình dịch bệnh và kết quả thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên hệ thống VAHIS chưa đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh…
"Tập trung nguồn lực của địa phương, kịp thời hỗ trợ, bố trí kinh phí cho chính quyền cấp xã tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch dịch tả lợn Châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới".
Công văn của Cục Thú y.
Việc sáp nhập Trạm thú y cấp huyện vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, dẫn đến biên chế chuyên ngành về chăn nuôi thú y giảm (theo báo cáo tháng 4/2024 của tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh có 182/200 xã có cán bộ thú y cấp xã, trong đó có 18 xã không có cán bộ thú y), gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, dẫn đến dịch bệnh lây lan, chưa được kiểm soát.
Để chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại, Cục Thú y đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Kạn tập trung các nguồn lực xử lý dập dịch.
Đồng thời khẩn trương chỉ đạo Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương và các đơn vị có liên quan chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Tham mưu cấp có thẩm quyền công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định; yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan không kịp thời tham mưu, chỉ đạo, triển khai chống dịch theo đúng quy định.
Các địa phương phải tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất...). Đồng thời, tổ chức tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi cho những đàn lợn chưa bị mắt bệnh.
Phải hướng dẫn người chăn nuôi, nhất là tại địa phương đang có dịch, các địa phương có nguy cơ cao, hàng ngày áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh
“Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy, buôn bán, vận chuyển lợn bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường theo đúng quy định”, công văn nhấn mạnh.