Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX: Kiến nghị tháo gỡ khó khăn về đất đai và hỗ trợ sau bão
Nhiều nông dân nêu lên những khó khăn vướng mắc, tập trung vào các vấn đề: thiếu vốn, thiếu đất mở rộng sản xuất nông nghiệp; Luật đất đai thực thi chậm; thiệt hại do bão số 3 quá nặng nề khó khôi phục sản xuất; liên kết tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn…
Ngày 14/10/2024, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024 với chủ đề: “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe nông dân nói”.
CHÍNH SÁCH CẦN THÍCH ỨNG VỚI BỐI CẢNH MỚI
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nhận định: “Có thể nói, chưa có giai đoạn nào, Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, địa phương dành nhiều chính sách, quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn như giai đoạn hiện nay”.
Tuy nhiên, với đặc thù của ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện vẫn còn những tồn tại nhiều hạn chế, cả về mặt khách quan và chủ quan như sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi tư duy sản xuất của người nông dân đặt ra nhiều thách thức mới; khu vực nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn về hạ tầng, ổn định đời sống dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa...
“Diễn đàn là dịp, để chúng tôi được lắng nghe các nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những chính sách cụ thể hỗ trợ người nông dân hăng hái tham gia sản xuất, phát triển kinh tế xã hội", Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin: Cho đến nay, GDP nông nghiệp đã đạt tới 1.564 nghìn tỷ đồng (năm 2023), tăng 3,38% trong 6 tháng 2024. Việt Nam cũng nằm trong top 5 thế giới về xuất khẩu cá tra, gạo, cà phê, hạt điều, tiêu đen, cao su, chè, sắn, sản phẩm gỗ. Thu nhập nông thôn tăng và ngày càng đa dạng, giai đoạn 2008-2020, thu nhập của nông dân tăng 5,5 lần, nhanh hơn cả tốc độ tăng của người dân đô thị.
“Trong bối cảnh mới đó, chúng tôi đề xuất cách thức tiếp cận nông dân, nông thôn cho giai đoạn tới. Một là tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn tới. Hai là, cải thiện tình hình tài chính, tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ba là, hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng ở nông thôn. Trong bối cảnh mới, Nhà nước cũng cần hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng và tri thức hóa nông dân”.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn.
Mặc dù đạt nhiều thành tựu, ngành nông nghiệp chưa bền vững, hiệu quả sản xuất chưa cao. Trong khi đó, xu hướng nông nghiệp mới phải là nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, cảnh quan.
NÔNG DÂN QUAN TÂM CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SAU BÃO LŨ
Nông dân Nguyễn Sỹ Bính, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phất Cờ Quảng Ninh, cho biết nhiều năm qua, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phất Cờ đã tổ chức các mô hình nuôi biển, đồng thời thực hiện liên kết sản xuất với các hộ nuôi trồng thủy sản trong và ngoài hợp tác xã đi tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc, đạt doanh thu đạt 28-32 tỷ/năm. Tuy nhiên, cơn bão số 3 vừa qua đã cướp đi tất cả, ước tính mỗi thành viên Hợp tác xã thiệt hại 5 – 6 tỷ đồng.
Vì vậy, nông dân Bính đề nghị nhà nước, các sở ngành, đặc biệt là Hội Nông dân tham gia thống kê thiệt hại và chi trả hỗ trợ thiệt hại sau bão, đồng thời kiến nghị với các bộ ngành tiếp tục tìm nguồn vốn và hỗ trợ cho nông dân vay; khoanh nợ, giãn nợ, hoãn trả đối với những khoản vay đã bị cơn bão làm thiệt hại; cho vay khoản vay mới với lãi suất ưu đãi nhất để bà con đầu tư xây dựng lại cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.
Nông dân Nguyễn Văn Minh - Tổ trưởng tổ dân phố 4, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, cho biết cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản của người dân. Do đó, đề nghị Nhà nước sớm bố trí khi tái định cư cho người dân bị thiệt hại nhà cửa.
Nông dân Hoàng Văn Liêm, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thiên An ở Yên Bái, cho hay hợp tác xã đã tổ chức hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 56 hộ và 15 cơ sở chăn nuôi trâu bò để nuôi trâu, bò vỗ béo. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đi qua đã để lại những thiệt hại chưa từng có, nhưng mức hỗ trợ nông dân bị thiệt hại theo Nghị định 02 là quá thấp và không còn phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, vấn đề bảo hiểm nông nghiệp lại được đặt ra với một đất nước có nền nông nghiệp phát triển như Việt Nam.
Trả lời các câu hỏi liên qua đến hỗ trợ sau thiên tai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến cơn bão khủng khiếp, sức tàn khá kinh khủng như vậy. Hôm đó cũng đúng ngày tôi đang có mặt ở Quảng Ninh. Sáng hôm sau, tôi ra biển chứng kiến lồng bè của bà con xơ xác, bị cuốn trôi vô cùng đau lòng”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc rất nhanh, rất sớm, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cùng vào cuộc giúp bà con tháo gỡ khó khăn, tái thiết lại sản xuất và cuộc sống. Trong tuần tới chúng tôi sẽ tiếp tục có cuộc họp với đại diện Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng để bàn bạc làm sao đồng vốn sớm đến tay bà con.
KHÓ CHUYỂN ĐỔI ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Nông dân Nguyễn Viết Tự, xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nêu vấn đề: Luật Hợp tác xã 2023 và Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực, nhưng ở các địa phương chưa được tiếp cận nhiều. “Hợp tác xã chúng tôi đang muốn làm nông nghiệp kết hợp với du lịch, theo luật thì được chuyển đổi đất đai đa ngành nghề, nhưng cán bộ phụ trách đất đai ở địa phương vẫn chưa triển khai phổ biến quy định mới cho nông dân, trong khi nông dân trình độ có hạn, khó tiếp cận với sự thay đổi mới của chính sách”, ông Tự nói.
Ông Nguyễn Hữu Ánh, nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ tỉnh Cà Mau, cho rằng mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng hơn 20 năm qua cho thấy rất hiệu quả ở Cà Mau. Thế nhưng khó khăn là cấp lãnh đạo giữ đất nông nghiệp 100% không cho chuyển mục đích từ trồng lúa sang nuôi cá. “Hiện tại địa phương, một số hộ dân phải bỏ đất hoang, hỏi thì nông dân cho biết làm ruộng thì lỗ", ông Hữu Ánh nêu thực tế.
Theo ông Hữu Ánh, từ năm 2020 đến nay, địa phương không cho chuyển đổi đất nông nghiệp, nhiều hộ dân muốn chuyển đổi sang nuôi cá chình không được. Nếu chuyển thì cấp lãnh đạo tỉnh không cho phép, ai làm ngang là bị phạt, nông dân chúng tôi không thể mở rộng sản xuất nông nghiệp, không nuôi cá chình được. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị lãnh đạo nhìn lại vùng nào nuôi con gì, trồng cây gì hiệu quả, thì cho phép chuyển đổi để nông dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần cho quê hương Tân Thành tỉnh Cà Mau phát triển.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đồng tình: “Những điều nông dân Ánh nói và đề nghị là hoàn toàn đúng. Chúng tôi đã mời Bí thư tỉnh ủy Cà Mau xuống xem tận nơi và có giải pháp tháo gỡ cho bà con”.
Tại Diễn đàn, rất nhiều nông dân cũng nêu vấn đề Luật đai đã có hiệu lực, nhưng thực thi ở địa phương vẫn chưa thay đổi. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Luật Đất đai 2024 mới thực hiện, các văn bản thông tư hướng dẫn thực hiện cơ bản đã ban hành xong nhưng ở địa phương chưa cụ thể hoá kịp thời,
“Bà con cứ mò mẫm làm, biết đâu vấn đề nằm ở địa phương chứ không phải ở Luật. Luật Đất đai 2024 vừa qua đã đưa vào thuật ngữ mới, đó là đất đa mục đích, có nghĩa là đất nông nghiệp có thể nuôi thuỷ sản, có thể chăn nuôi hay làm du lịch, có lẽ ở địa phương đang lúng túng chưa tiếp cận được. Thuật ngữ đất đa mục đích, tôi nghĩ rằng sẽ gần như cởi trói được vấn đề vướng mắc lâu nay trong quá trình chuyển đổi đất đai, từ vùng nuôi cá chình ở Cà Mau cho tới nuôi cá lóc ở Quảng Bình. Tôi sẽ chuyển lời đề xuất của các bác nông dân vừa kiến nghị tới lãnh đạo các tỉnh”, Bộ trưởng nói.