Diễn đàn Việt Nam – Thời khắc Việt và đi tìm thương hiệu cho TP.HCM
Thương hiệu cho TP.HCM là một nội dung của diễn đàn “Việt Nam – Thời khắc Việt”, một sáng kiến mang tính chiến lược, đa diện và phi lợi nhuận, do Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM (HPDF) khởi xướng và chủ trì nhằm hướng đến hai cụm chủ đề rất có ý nghĩa cho người Việt và thương hiệu đất nước Việt Nam...
Diễn đàn “Việt Nam – Thời khắc Việt” quy tụ hơn 70 diễn giả là những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật... mang đến nhiều góc nhìn sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Hai cụm chủ đề mà diễn đàn đề cập gồm: Thương hiệu Việt Nam và căn tính Việt; Kết nối người Việt trong và ngoài nước, và tuổi trẻ Việt vươn lên.
VIỆT NAM KHÔNG CÒN CHỈ LÀ TÊN GỌI MỘT CUỘC CHIẾN TRANH
Đó là thông tin được Trưởng ban tổ chức diễn đàn, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch HPDF, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên hiệp Châu Âu (EU) chia sẻ. Bà là một trong những người đầu tiên nỗ lực thúc đẩy chiến lược xây dựng thương hiệu đất nước trong nhiều năm qua.
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, những trăn trở về hình ảnh và thông điệp về thương hiệu Việt Nam trong mắt thế giới cũng như niềm tin sâu sắc về thời vận tỏa sáng của Việt Nam đã thôi thúc bà khởi xướng và dẫn dắt diễn đàn “Việt Nam - Thời Khắc Việt”.
Diễn đàn diễn ra vào cuối tuần qua tập trung vào hai cụm chủ đề: Thương hiệu đất nước (quốc gia) cho Việt Nam (nhấn mạnh thông điệp về việc cần thiết phải xác định và định vị thương hiệu đất nước Việt Nam); và hành động để hướng tới mục tiêu 2045 (tập trung vào các nhân tố công nghệ, nông nghiệp, nguồn nhân lực, văn hóa).
Là diễn giả dẫn dắt và điều khiển toàn bộ diễn đàn với rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm trong suốt hai ngày diễn đàn, nhà ngoại giao kỳ cựu Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng: "Việt Nam không còn chỉ là tên gọi một cuộc chiến tranh. Việt Nam là một đất nước, một dân tộc đang vươn lên với sức sống mạnh mẽ, tự khẳng định chỗ đứng trong cộng đồng các dân tộc”.
Đồng thời, khẳng định: “Xuất phát niềm tin sâu sắc rằng sau 50 năm tái thiết và vươn lên phát triển, giờ đây, thời khắc đã đến để đất nước và con người Việt Nam tỏa sáng và cùng nhau tự tin khẳng định mình và đóng góp vào nỗ lực của nhân loại vì hòa bình, phát triển bền vững và hạnh phúc”.
“Sợi chỉ đỏ xuyên suốt qua tất cả các hoạt động đa dạng tại hai ngày diễn đàn ‘Việt Nam – Thời khắc Việt’ là ‘Câu chuyện Việt Nam - The Vietnam Story’, tức là những gì làm nên tính chất đặc trưng hay độc đáo cho Việt Nam và người Việt trong nước và trên thế giới. Thống kê cho biết hiện có hơn 5 triệu người Việt đang sinh sống tại 135 quốc gia, đã chứng minh thuyết phục rằng: Vốn quý nhất của Việt Nam là con người Việt”, bà Ninh một lần nữa nhấn mạnh.
Các chuyên gia đã trình bày kết quả của dự án nhánh khảo sát Thương hiệu đất nước Việt Nam và căn tính Việt. Một điểm đặc biệt nữa là dự án “Việt Nam muôn màu muôn vẻ: Bức tranh điện tử ghép gương mặt Việt khắp năm châu tỏa sáng và tạo cảm hứng”, nhằm nêu bật một cách sống động những thành tựu và sự vươn lên nổi trội trên rất nhiều lĩnh vực của người Việt trong và ngoài nước.
THƯƠNG HIỆU CHO TP.HCM
TP.HCM đã và đang nỗ lực tạo dựng và quảng bá được những đặc tính khác biệt cho riêng mình nhằm thu hút sự quan tâm đa dạng trong nhiều lĩnh vực từ thương mại, đầu tư, kinh doanh, du lịch, đến giáo dục, văn hoá.
Tiến sĩ Lý Quí Trung, Chủ tịch Viện Doanh nhân đương đại LQT, giáo sư kiêm nhiệm Đại học Western Sydney (Australia) và là đồng sáng lập thương hiệu Phở 24, cho rằng để đi tìm thương hiệu cho TP.HCM, đầu tiên cần phải biết thành phố muốn điều gì, muốn người ta nghĩ về mình như thế nào... "Tôi nghĩ đó là những vấn đề rất lớn mà khi xác định không đúng thì sẽ lãng phí nhiều thời gian và công sức", ông Trung nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, làm thương hiệu cho một sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ là hoạt động đã có trăm năm nay để tạo thêm giá trị cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó; nhưng từ vài chục năm trở lại đây, người ta mới bắt đầu đặt câu hỏi tại sao không đem khoa học về xây dựng thương hiệu ấy cho một điểm đến, địa phương hay một quốc gia. TP.HCM là đầu tàu kinh tế của Việt Nam và có văn hóa dồi dào, lịch sử hào hùng; vậy sẽ kể câu chuyện nào để nhận thức của mọi người về thương hiệu thành phố tương đương, hay thậm chí hơn những gì mà thành phố làm được.
Có thể nói, câu chuyện “Thương hiệu cho đất nước Việt Nam”, “Thương hiệu cho TP.HCM” đang thu hút sự quan tâm đặc của người dân, các học giả, giới chuyên gia, nhà khoa học, chính quyền và cả giới doanh nhân trong và ngoài nước. Bởi vì điều đó sẽ tạo thêm giá trị cho quốc gia, giá trị cho TP.HCM. Trong tiến trình “đi tìm thương hiệu” đó, chính quyền và nhà quản lý đóng một vai trò quan trọng nhằm tìm kiếm, thu hút nguồn lực, định vị chính mình thông qua các ý kiến cùng phản biện từ các chuyên gia, cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, nhấn mạnh rằng chính quyền Thành phố luôn coi trọng vai trò của trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Việt trong và ngoài nước là những người có khát vọng và mục tiêu cao đẹp, luôn mong muốn đồng hành cùng đất nước, vượt qua mọi thách thức, khó khăn.
“Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống quý trọng hiền tài, yêu mến trí thức. Thành phố luôn coi trọng công tác phát triển khoa học công nghệ, huy động nguồn lực trí tuệ của người Việt trên toàn cầu, tạo mọi điều kiện để mỗi người Việt Nam ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có cơ hội phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa trí tuệ, tài năng, sức sáng tạo cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố và đất nước”, lãnh đạo TP.HCM khẳng định.
Vị đại diện chính quyền TP.HCM thể hiện tin tưởng sâu sắc rằng người Việt Nam dù đang sinh sống và làm việc ở trong nước hay nước ngoài, bằng tình yêu và trách nhiệm, tài năng và sáng tạo đều có thể đóng góp cho Tổ quốc theo cách riêng của mình; cùng nhau vun đắp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam, tạo thành sức mạnh nội sinh to lớn, đưa đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.