Doanh nghiệp dệt may Nghệ An đau đầu vì thiếu lao động
Hiện Nghệ An có hơn 20 dự án may đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động, chủ yếu ở nông thôn...
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương, cho biết: Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng chuỗi cung ứng về nguyên liệu dệt may không bị đứt gãy. Tín hiệu đáng mừng hiện nay ở các doanh nghiệp dệt may là đơn hàng dồi dào, sản xuất tiếp tục đà tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 139 triệu USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ. Đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp dệt may ở Nghệ An đã ký kết được các đơn hàng đến cuối năm và cả năm sau.
Xu thế xuất khẩu của Nghệ An chủ yếu theo hướng gia công hàng hoá với các đơn hàng lớn đầy tiềm năng từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, nên lượng hàng hoá vẫn tương đối ổn định. “Do hầu hết đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may ở địa phương đều ký từ đầu năm, và chủ yếu gia công hàng xuất khẩu nên nguồn cung ứng nguyên liệu được vận chuyển về đúng hạn, dù làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến tình hình sản xuất,” ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết. “Vấn đề khó khăn lớn nhất là nhiều doanh nghiệp hiện thiếu lao động khi nhà máy nằm ở vùng bị phong toả do dịch”.
Theo Sở Công Thương Nghệ An, hiện tỉnh này có hơn 20 dự án may đã đi vào hoạt động, thu hút được hơn 25.000 lao động ở nông thôn. Ngoài ra, hơn 10 dự án khác cũng đang tiến hành đầu tư mới hoặc mở rộng công suất. Do vậy, so với cùng kỳ năm 2020, nhu cầu tuyển dụng mảng dệt may đã tăng khoảng 30- 50%. Tuy nhiên, có một thực tế là dệt may không còn là lựa chọn hàng đầu của người lao động nông thôn bởi mức lương thấp hơn các ngành khác, khiến nhiều lao động không mặn mà.
Từ đầu năm đến nay, các dây chuyền của Công ty CP Tập đoàn An Hưng, ở xã Công Thành (huyện Yên Thành) đều chạy hết công suất để kịp trả hàng đúng tiến độ theo hợp đồng đã ký. Ông Đặng Việt Dũng, Trưởng phòng quản lý nhân sự Công ty An Hưng, cho biết nhà máy có quy mô 6.000 công nhân nhưng đến hiện tại mới tuyển được 1.600 công nhân. Từ nay cho đến cuối năm nhu cầu tuyển dụng của nhà máy còn nhiều, nhưng dự đoán cũng khó để tuyển đủ vì các tháng gần cuối năm công nhân đã ổn định sản xuất ở các nhà máy khác.
Cùng chung cảnh ngộ thiếu lao động, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP May Minh Anh - Nghệ An cho biết, doanh nghiệp hiện có hơn 3.000 công nhân lao động, nhưng lại có đến 2.000 công nhân ở ngoài khu vực thành phố, khi Tp.Vinh thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 thì doanh nghiệp chỉ bố trí ở tại chỗ được 300 công nhân, nên gây thiếu hụt lao động cục bộ, dẫn đến nguy cơ sản xuất không kịp đơn hàng.
Tương tự, hiện Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan chỉ có 1/3 công nhân đứng máy; Công ty May Minh Anh - Kim Liên thiếu 500 lao động; Công ty TNHH Prex Vinh khá hơn nhưng công suất chưa đến 90%... “Nhiều công nhân phải cách ly khiến công suất dây chuyền sản xuất không đạt; do một số địa phương phong tỏa, giãn cách phòng, chống dịch, kiểm soát xe vận chuyển chặt chẽ nên hầu như không tuyến được lao động từ tỉnh khác,” ông Trần Đức Long, Kế toán trưởng Công ty TNHH Prex Vinh lo lắng.
Để hoàn thành hợp đồng với đối tác cũng như kế hoạch sản xuất năm, hiện các doanh nghiệp dệt may Nghệ An đang tập trung tuyển dụng lao động, mở rộng hoạt động sản xuất, vận hành hết công suất của dây chuyền. Để có thể tuyển dụng được số lao động đảm bảo yêu cầu, các doanh nghiệp đã nhờ đến sự phối hợp, giúp đỡ của các địa phương trong việc tuyên truyền, vận động con em, thanh niên trên địa bàn.
Những nỗ lực trong việc tìm kiếm, duy trì đối tác, nguồn hàng của các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn Nghệ An không chỉ giúp các đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo ổn định và phát triển mà còn tạo cơ hội chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân Nghệ An.
Do đó nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất trong tình hình mới, ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương Nghệ An) cho biết: Thời gian tới, tỉnh Nghệ An tập trung vào sản xuất những sản phẩm phục vụ ngành may, nhất là công nghiệp hỗ trợ của ngành may mặc để gia tăng giá trị trong ngành dệt may. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển trung tâm thiết kế thời trang, đào tạo nhân lực cho ngành may mặc để tiến lên công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị.