Doanh nghiệp rời bỏ thị trường, nguy cơ hàng nghìn lao động mất việc làm
Tính riêng trong tháng 8, Hà Nội có trên 1.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, gây ra hệ lụy hàng nghìn lao động phải đối mặt với nguy cơ ngừng việc, mất việc làm và mất thu nhập…
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài khiến nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Nội phải giãn cách xã hội dẫn đến nền kinh tế có dấu hiệu đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là nguồn lao động. Lệnh hạn chế đi lại mỗi khu vực và địa phương dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp không phản ứng kịp khi thiếu lao động, nhiều lao động có trình độ cao sống tại nơi phong tỏa bị chốt chặn nên không thể đến nơi làm việc.
HÀNG TRIỆU LAO ĐỘNG BỊ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội), tháng 8, thị trường lao động cả nước tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố cùng với việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại nhiều địa phương.
Cầu lao động suy giảm do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế, xã hội. Các biện pháp hạn chế đi lại tại nhiều tỉnh, thành phố khiến cho lực lượng lao động có xu hướng sụt giảm.
Theo xu thế tăng lực lượng lao động hàng năm trước khi có dịch thì lực lượng lao động thực tế đang thấp hơn trạng thái bình thường mới khoảng 1,7 triệu lao động. Hàng triệu lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, mất việc, giảm giờ làm hoặc phải làm việc luân phiên.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng cũng tiếp tục tăng lên, vì lao động phải ở nhà, nghỉ việc để thực hiện giãn cách xã hội.
Riêng tại Hà Nội, thị trường lao động phải đối diện với nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất từ đầu năm đến nay. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động dưới 20 – 30% công suất, do phải đảm bảo công tác giãn cách xã hội và không nằm trong các lĩnh vực thiết yếu. Chi phí sản xuất tăng cao trong khi việc cung ứng hàng hóa gặp nhiều hạn chế.
Lao động có việc làm tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ rất cao phải nghỉ việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, không đảm bảo điều kiện làm việc…Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tiếp tục gia tăng, kéo theo tình trạng suy giảm lực lượng lao động khi một bộ phận người lao động mất việc phải rời khỏi thị trường.
KHÓ ÁP DỤNG "3 TẠI CHỖ", DOANH NGHIỆP CHỈ HOẠT ĐỘNG CẦM CHỪNG
Đối với các doanh nghiệp, dịch bệnh kéo dài tác động rất lớn đến nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, việc thực hiện “3 tại chỗ” khiến các doanh nghiệp chịu gánh nặng về chi phí ăn ở, xét nghiệm…cho người lao động, cũng như đứng trước tình trạng thiếu hụt lao động để sản xuất do nhiều lao động nằm trong khu vực cách ly, phong tỏa, chỉ hoạt động cầm chừng với công suất dưới 50% đã dẫn đến số doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường gia tăng.
Ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, khách sạn, lưu trú ăn uống là một trong những ngành tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong tháng 8. Hoạt động xây dựng phải đối mặt với nguy cơ lớn khi các chi phí đầu vào như giá thép xây dựng, vật liệu tăng cao, nhiều công trình xây dựng không được phép hoạt động trong thời kỳ giãn cách.
Hoạt động buôn bán cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi Hà Nội tạm dừng tất cả các hoạt động, dịch vụ không thiết yếu, hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa do thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh và đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp du lịch rơi vào tình rạng hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động khi tất cả các điểm du lịch trên địa bàn thành phố buộc phải đóng cửa để đảm bảo công tác phòng chống dịch, du khách không có nhu cầu đặt các tour du lịch từ Hà Nội đến các địa điểm du lịch trong, ngoài nước và ngược lại.
Theo thống kê, chỉ tính riêng trong tháng 8, TP. Hà Nội có 1.077 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó có 244 doanh nghiệp giải thể; 833 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động. Trung bình mỗi ngày trong tháng có hơn 33 doanh nghiệp rút lui gây ra hệ lụy là có hàng nghìn lao động phải đối mặt với nguy cơ ngừng việc, mất việc làm, mất thu nhập…
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, đợt dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động, việc làm trong các ngành, thị trường lao động lại rơi vào trạng thái biến động khó lường. Điều này khiến các doanh nghiệp buộc phải chống đỡ bằng nhiều biện pháp, trong đó có tinh giảm lao động như: cắt giảm, nghỉ luân phiên, tuyển dụng lao động thời vụ...để duy trì hoạt động.
Thị trường lao động Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, công tác tiêm vaccine cho người dân và hiệu quả của các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế.