Doanh nghiệp thực phẩm “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất
Từ 0h ngày 15/7, TP.HCM chính thức yêu cầu áp dụng "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ), nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã bày tỏ quyết tâm không đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất…
Covid-19 đã xâm nhập nhiều khu công nghiệp và khiến nhiều đơn vị phải ngưng sản xuất. Nhóm doanh nghiệp chế biến thực phẩm vì thế cũng không khỏi lo lắng. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp buộc phải kích hoạt và xây dựng phương án phòng dịch thắt chặt để vừa bảo vệ người lao động vừa đáp ứng chuỗi cung ứng sản xuất không bị đứt gãy.
Hai tuần nay, nhận thấy diễn biến dịch Covid-19 khá phức tạp, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã sớm tiến hành bố trí cho cán bộ, công nhân viên ăn, ngủ, làm việc tại nhà máy. "Mỗi ngày có thêm một số ít nhân viên phải tạm nghỉ việc vì ở trong khu cách ly, phong tỏa. Do vậy, việc cắm trại sản xuất vừa bảo đảm giữ được "quân số", vừa giảm nguy cơ nhân viên bị nhiễm bệnh từ cộng đồng, mang vào nhà máy," - ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan giải thích.
Cũng như vậy, Công ty Cổ phần Ba Huân, đơn vị cung cấp thịt gà và trứng cho TP.HCM, đã ngay lập tức kích hoạt phương án "3 tại chỗ để bảo vệ nhân viên và chuỗi sản xuất không bị đứt gãy ngay khi thành phố yêu cầu giãn cách xã hội. "Chúng tôi chia nhà máy thành 3 khu, trong đó, nhân viên tại các trang trại chăn nuôi có nhà ở ngay tại đó và được phục vụ ăn uống đầy đủ, không đi ra ngoài để tránh lây nhiễm. Khối chế biến thực phẩm cũng được sắp xếp tương tự. Còn khối văn phòng thực hiện giãn cách mỗi phòng làm việc chỉ 3 người thay vì cả 10 người như trước đó", ông Phạm Thanh Hùng, Phó tổng giám đốc Ba Huân cho biết.
Là doanh nghiệp chuyên cung cấp sản phẩm thực phẩm, Công ty CP Sài Gòn Food hiện có 5 nhà máy đang hoạt động tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh). Trước yêu cầu của thành phố, từ ngày 15/7 công ty sẽ dừng hoạt động 2 nhà máy để lấy chỗ làm nơi ở dã chiến cho khoảng 400 công nhân. Số còn lại, một phần đang bị "kẹt" trong các khu phong tỏa, cách ly; một phần cho tạm nghỉ. Với phương án này, nơi ở và làm việc của công nhân sẽ trong một khuôn viên, có hàng rào ngăn giữa khu ở và khu làm việc. Mọi hoạt động của công nhân sẽ bảo đảm khép kín từ chỗ ở đến nhà máy.
Đã xây dựng phương án "3 tại chỗ" từ nhiều tuần trước, Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt sắp xếp cho bộ phận văn phòng làm việc tại nhà, bộ phận sản xuất được chia làm 2 khu vực riêng biệt nhằm giảm thiểu rủi ro. Công ty còn có 2 khu vực lưu trú độc lập được cải tạo từ nhà kho mới xây dựng dành cho hơn 100 công nhân đang làm việc trực tiếp tại nhà máy. “Ngoài chỗ ở, công ty lo trọn chi phí điện nước, 3 bữa ăn trong ngày kèm 1 bữa phụ vào buổi tối cho cán bộ, công nhân," ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc công ty nói và cho biết vợ chồng ông cũng đã mang theo quần áo, sẵn sàng ở lại công ty.
Với Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta có trụ sở tại Sóc Trăng, cán bộ công nhân viên doanh nghiệp hàng ngày hồi hộp theo dõi thông tin dịch bệnh từ các tỉnh thành xung quanh và chạy đua trong hoạt động. Các trại tôm phải tranh thủ thu hoạch càng nhanh càng tốt, hai nhà máy nội bộ phải tập trung chế biến nguyên liệu ổn thỏa, nhóm lái xe giao hàng các cảng trên TP.HCM được sắp xếp chỗ nghỉ tại chỗ, không về nhà cho tới khi có tình hình mới... Theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty Sao Ta, dù tỉnh Sóc Trăng chưa thực hiện giãn cách như các tỉnh thành khác nhưng công ty vẫn áp dụng chính sách 3 tại chỗ cho khoảng 1/3 trong tổng số 4.000 lao động.
Trong khi đó, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Đồng Nai (H.Trảng Bom) vừa bố trí cho 120 lao động tạm lưu trú tại công ty để kiểm soát dịch bệnh và đáp ứng yêu cầu sản xuất. Chị Trần Thị Minh Dương, công nhân của công ty chia sẻ: “Trong tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp và lây lan nhanh như hiện nay, việc công ty bố trí cho người lao động ăn, ở, làm việc tại chỗ là hợp lý. Nơi ở rất an toàn, sạch sẽ, thoáng mát và đầy đủ tiện nghi nên chúng tôi rất an tâm. Với chúng tôi, lúc này có việc làm và thu nhập còn may mắn hơn nhiều lao động khác”.
Trước thực tế nhu yếu phẩm, thực phẩm cung ứng cho TP.HCM đòi hỏi tăng cao, doanh nghiệp chuyên cung ứng thực phẩm đang là đội ngũ nòng cốt của TP.HCM và các tỉnh. Do vậy, theo lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM, nhóm này đang được cơ quan ban ngành ưu tiên và sẵn sàng hỗ trợ trong mọi tình huống.
Để tránh chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện phương án 3 tại chỗ nhưng cần xây dựng cơ chế phù hợp và linh động. Ngoài ra, doanh nghiệp nên ưu tiên hình thức trực tuyến với các cuộc họp, hội nghị, sự kiện. Song song đó, doanh nghiệp nên tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm tại nơi làm việc để người lao động yên tâm sản xuất.