Đối thoại chuyên đề: Phân bón giả - Tác hại thật
Vào lúc 9h ngày 13/6/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức Đối thoại chuyên đề: “Phân bón giả - Tác hại thật”. Đối thoại sẽ được phát trực tuyến trên nền tảng VnEconomy.vn và FanPage VnEconomy…
Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ngày càng diễn biến phức tạp và vẫn chưa có hồi kết. Hậu quả mang lại vô cùng nghiêm trọng, không những gây thất thu thuế cho Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển sản xuất lưu thông hàng hóa, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền lợi hợp pháp và khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất chân chính, mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người nông dân.
Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn phân bón nhập khẩu bị đứt gãy khiến giá phân bón liên tục tăng mạnh. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022 đến nay, xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến lượng cung và thương mại phân bón trên thế giới giảm đột ngột, càng làm giá phân bón tăng phi mã, đạt mức cao nhất trong 50 năm trở lại đây. Điều này đã "thúc đẩy" các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính.
Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại trên 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói, có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả vì đứng trước lợi nhuận quá lớn mang lại.
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, mỗi năm nông dân tiêu thụ khoảng 11 – 12 triệu tấn phân bón các loại. Đáng báo động, trong đó có từ 30-50% là phân bón giả, kém chất lượng.
Trong khi đó, nỗ lực phát hiện và xử phạt đối với các trường hợp kinh doanh phân bón giả dường như không xuể. Theo số liệu từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường bắt giữ khoảng 4.000 vụ phân bón giả. Hằng năm, Tổng cục Quản lý thị trường cũng tiến hành kiểm tra hàng nghìn hộ kinh doanh phân bón, trong đó có hàng trăm hộ vi phạm (khoảng 42%). Kiểm nghiệm hàng nghìn mẫu phân bón thì có hàng trăm mẫu (khoảng 31%) không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Vào cuối tháng 3/2022, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã công bố việc xử phạt 92 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực phân bón, gồm: 44 doanh nghiệp nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng; 9 doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng; phát hiện 6 cơ sở buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng, 3 hộ kinh doanh phân bón vi phạm nội dung ghi nhãn, phát hiện 1 doanh nghiệp không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón.
Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng, nhưng theo dự báo của Cục Bảo vệ thực vật, trong thời gian tới, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ có những diễn biến phức tạp.
Từ thực tế đó, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức buổi Đối thoại chuyên đề: “Phân bón giả - Tác hại thật”.
Các vấn đề chính sẽ được thảo luận gồm:
- Tình trạng sản xuất, kinh doanh, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng.
- Phương thức, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân bón giả, kém chất lượng.
- Phân bón giả, kém chất lượng ảnh hưởng như thế nào đối với những doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng.
- Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và vai trò của các cơ quan quản lý trong việc đấu tranh với phân bón giả, kém chất lượng.
- Vai trò của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
- Giải pháp đẩy lùi vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng và những kiến nghị.
Đối thoại chuyên đề có sự tham gia của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp, bao gồm:
- Ông Huỳnh Tấn Đạt – Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Ông Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam;
- Bà Bùi Thị Thanh Giang- Phó Ban Kế hoạch Kinh doanh, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam;
- Ông Lê Tiến Hùng – Giám đốc Marketing, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau;
- Nhà báo Hương Loan – Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, điều hành buổi đối thoại.
Chương trình được phát trực tuyến trên nền tảng VnEconomy.vn, FanPage VnEconomy vào 9h, thứ Hai, ngày 13/6/2022.
Nội dung của Tọa đàm sẽ được truyền thông trên chuyên mục Tiêu điểm của VnEconomy và Tạp chí Kinh tế Việt Nam.
Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!