Dòng tiền “teo tóp”, thị trường “lịm” dần
Nỗ lực giằng co xanh nhẹ của VN-Index chỉ diễn ra ít phút đầu phiên sáng nay, sau đó toàn thời gian chỉ số này trượt dốc giảm. Độ rộng từ chỗ số mã tăng gấp đôi số giảm, dần chuyển thành giảm giá áp đảo. Thị trường lịm dần do sức cầu quá yếu và thanh khoản lại lập kỷ lục kể từ đầu năm 2021...
Nỗ lực giằng co xanh nhẹ của VN-Index chỉ diễn ra ít phút đầu phiên sáng nay, sau đó toàn thời gian chỉ số này trượt dốc giảm. Độ rộng từ chỗ số mã tăng gấp đôi số giảm, dần chuyển thành giảm giá áp đảo. Thị trường lịm dần do sức cầu quá yếu và thanh khoản lại lập kỷ lục thấp mới kể từ đầu năm 2021.
Tổng giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đến hết phiên sáng chỉ đạt 5.673 tỷ đồng, giảm 45% so với sáng hôm qua. Mức giao dịch này thậm chí còn thấp hơn cả giao dịch riêng sàn HoSE hôm qua.
Thanh khoản thấp đột biến như vậy lại dẫn đến đà trượt giảm từ từ, cho thấy lực cầu suy yếu và áp lực bán không mạnh, nhưng tăng dần. VN-Index đầu phiên còn có 2 thời điểm tăng qua tham chiếu vài điểm, nhưng đến cuối phiên đã giảm 11,95 điểm tương đương 0,92%. Diễn biến này là giống nhau với tất cả các chỉ số, dù mức giảm có khác nhau.
Độ rộng cũng tương thích với đà giảm của chỉ số đại diện, thể hiện biến động giá cùng chiều, chứ không chỉ là yếu tố giảm ở cổ phiếu trụ. Cụ thể, lúc 9h30, VN-Index có 266 mã tăng/104 mã giảm, đến 10h40 số tăng giảm đã bằng nhau và kết phiên đảo ngược chỉ còn 163 mã tăng/266 mã giảm.
Nhóm VN30 từ chỗ có 18 mã tăng, kết phiên sáng còn duy nhất VRE tăng 3,02%, CTG tăng 0,6%, còn lại toàn giảm. Chỉ số kết phiên sáng giảm 1,25%, mạnh nhất trong các chỉ số nhóm vốn hóa sàn HoSE. Top 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất thì trừ BCM, còn lại đều là cổ phiếu VN30. MSN giảm 3,36%, VHM giảm 1,29%, VIC giảm 1,12% là 3 mã có ảnh hưởng nhất. Tới 20 mã trong rổ này giảm trên 1%.
VN-Index điều chỉnh khá mạnh sáng nay có tác động chính từ cổ phiếu blue-chips. Nguyên nhân là dòng tiền vào nhóm này cực thấp, cả phiên sáng VN30 chỉ khớp được 1.649 tỷ đồng, giảm 51% so với sáng hôm qua. HPG là mã thanh khoản nhất rổ này cũng chỉ có 195,2 tỷ đồng, mức cực thấp so với thanh khoản bình thường của cổ phiếu này. NVL, STB và VPB là 3 cổ phiếu duy nhất còn lại của rổ blue-chips, cũng như của sàn HoSE là đạt mức thanh khoản trên 100 tỷ đồng.
Thanh khoản yếu là tình trạng chung hôm nay, dù giao dịch giảm ở rổ VN30 là nổi bật. Nhóm này tập hợp các mã dễ thu hút dòng tiền tổ chức, nhưng giao dịch giảm nghĩa là dòng tiền lớn cũng đứng ngoài cuộc. Toàn sàn HoSE chỉ giao dịch hơn 5 ngàn tỷ, mức thấp kỷ lục kể từ đầu năm 2021.
Với 163 cổ phiếu còn tăng trên HoSE, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, thanh khoản thấp là lợi thế. Thống kê chỉ có 18 mã trong số này tăng trên 1% mà thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên. HDC, ROS, FLC, VRE, BAF, DIG là những cổ phiếu hiếm hoi giao dịch sôi động và giá tăng khá cao.
Một mảng nhỏ của thị trường đi ngược dòng sáng nay không thật sự mang tính đại diện, kể cả về nhóm ngành lẫn thanh khoản. Phần lớn thị trường vẫn đang giao dịch yếu, giá “lịm” dần do lực bán đang có dấu hiệu tăng, trong khi cầu rút xuống vùng giá rất thấp. Nhìn chung lối giao dịch này cũng mang tín hiệu kiểm tra cung cầu, nhưng chủ yếu xem nhu cầu bán lớn như thế nào. Nếu người bán hạ giá mạnh tay, thanh khoản có thể tăng đáng kể.
Sau phiên đảo chiều khá ấn tượng hôm qua, nhà đầu tư dường như vẫn trung thành với lối giao dịch bắt đáy giá rẻ, thay vì đuổi giá lên cao. Thống kê tại HoSE, trong 266 cổ phiếu giảm giá, 63 mã đang giảm trên 2%, 60 mã giảm trên 1%. Đây là biên độ giảm cũng không quá rộng, thể hiện lực bán cũng còn nhẹ. Tuy nhiên áp lực bán vẫn có thể xuất hiện nhiều hơn trong phiên chiều.