Đồng USD neo giá cao vì triển vọng Fed hạ lãi suất ngày càng mờ mịt
Đồng USD vững giá ở mức cao khi khởi động tuần giao dịch mới vào sáng nay (15/4), sau khi có tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2022 vào tuần vừa rồi, trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông...
Đồng USD vững giá ở mức cao khi khởi động tuần giao dịch mới vào sáng nay (15/4), sau khi có tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2022 vào tuần vừa rồi, trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông và triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn ở Mỹ trở thành những động lực để nhà đầu tư tăng cường nắm giữ đồng bạc xanh.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác ghi nhận mức tăng 1,7% trong tuần trước, sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy lạm phát tăng tốc - điểm dữ liệu gần như dập tắt khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 6. Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát tín hiệu sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6 - tức là ECB có thể nới lỏng trước Fed - cũng là một nguyên nhân đẩy giá USD tăng cao hơn.
Mức tăng tuần nói trên của Dollar Index là mạnh nhất kể từ tháng 9/2022.
So với đồng yên Nhật Bản, tỷ giá đồng USD hôm thứ Saius vừa rồi đạt mức cao nhất 34 năm, với 1 USD đổi 153,24 yên. So với đồng euro, USD lên cao nhất 5 tháng, với 1,0646 USD đổi 1 euro.
TRÁI CHIỀU CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ, ĐỘNG LỰC ĐỂ USD TĂNG GIÁ
Sáng nay (15/4), sau khi có tin Iran tấn công Israel để trả đũa vụ Israel hồi đầu tháng này không kích lãnh sự quán Iran ở Syria, thị trường tiền tệ toàn cầu chưa có phản ứng đáng kể.
Giới chức Israel phát tín hiệu nước này sẽ chưa đáp trả ngay cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái (drone) của Iran, đồng thời nói rằng Israel sẽ không hành động đơn độc. Tín hiệu này khiến giới quan sát lo ngại về một cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông với sự dính líu của nhiều quốc gia và tổ chức. Trong khi đó, thị trường tài chính giữ quan điểm “chờ xem”.
“Còn quá sớm để đánh giá”, chiến lược gia cấp cao Jason Wong của ngân hàng BNZ nhận định với hãng tin Reuters. “Cuộc tấn công của Iran vào cuối tuần vừa rồi chỉ mang tính biểu tượng… không thực sự nhằm mục đích gây ra thiệt hại lớn. Giờ là lúc chờ xem Israel sẽ phản ứng như thế nào”.
Phản ánh kỳ vọng lãi suất cao hơn lâu hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ gần đây liên tục tăng cùng tỷ giá đồng USD. Tuần trước, lợi suất của kỳ hạn trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 15 điểm cơ bản.
Hiện tại, thị trường dự báo Fed sẽ có đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9 năm nay và sẽ chỉ giảm lãi suất tổng cộng 0,5 điểm phần trăm trong cả năm. Thậm chí, đã có những dự báo cho rằng Fed chỉ giảm lãi suất được 1 lần với mức giảm 0,25 điểm phần trăm, hoặc không giảm lãi suất lần nào trong năm nay. Hồi đầu năm, thị trường dự báo đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 3 và tổng mức giảm của cả năm sẽ là 1,5 điểm phần trăm.
Trong khi đó, thị trường dự báo ECB sẽ có ít nhất 3 lần giảm lãi suất trong năm nay, với tổng mức giảm 0,75 điểm phần trăm; và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có 2 lần giảm với tổng mức giảm 0,5 điểm phần trăm.
“Mỹ là một trường hợp rất đặc biệt, vì chính sách tài khoá của họ đang ở trạng thái rất lỏng lẻo mà chính sách tiền tệ lại thắt chặt. Đây là một nguyên nhân khiến USD tăng giá” ngay cả khi Chính phủ Mỹ chi tiêu ồ ạt, nhà quản lý danh mục Quentin Fitzsimmons của công ty T Rowe Price nhận định với tờ báo Financial Times. Tuy nhiên, ông Fitzsimmons cho rằng tâm điểm chú ý của thị trường đang hướng tới khả năng xảy ra sự ngược chiều chính sách tiền tệ giữa Mỹ và châu Âu: ECB có thể hạ lãi suất trước Fed.
Cùng quan điểm này, chiến lược gia trưởng Chris Turner của ngân hàng ING, nói: “Có vẻ như chủ trương giảm lãi suất sớm của ECB đã khiến đồng euro suy yếu so với USD”.
ÁP LỰC ĐỐI VỚI CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG KHÁC
Sự dịch chuyển trong kỳ vọng lãi suất đã dẫn tới sự gia tăng chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ và Đức lên 2,17 điểm phần trăm, mức rộng nhất kể từ năm 2019.
Ngoài yếu tố lãi suất, đồng USD còn đang được thúc đẩy bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro do căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Bạc xanh vốn dĩ là một “hầm trú ẩn” đối với nhà đầu tư mỗi khi bất ổn địa chính trị tăng cao.
“Chăng thẳng gia tăng giữa Iran và Israel có thể dẫn tới giá dầu tăng cao hơn, làm lợi cho tỷ giá USD trong ngắn hạn”, nhà phân tích Francesco Pesole của ING nói với Financial Times.
Đồng USD giữ giá ở mức cao có thể đặt ra thách thức đối với các quốc gia đang muốn cắt giảm lãi suất, vì khi các nước này hạ lãi suất trong bối cảnh như hiện nay, đồng nội tệ có thể đương đầu áp lực mất giá mạnh hơn nữa so với USD và thổi bùng lạm phát.
Vấn đề càng thêm phần phức tạp khi giá dầu liên tục tăng cao gần đây do những diễn biến ở Trung Đông. Hôm thứ Sáu vừa rồi giá dầu Brent giao sau tại London - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - vượt ngưỡng 92 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái.
“Rõ ràng, các ngân hàng trung ương khác không muốn đồng tiền của mình giảm giá nhiều… vì như thế đồng nghĩa với việc nền kinh tế của họ nhập khẩu nhiều hơn”, nhà quản lý danh mục James Novotny của công ty Jupiter Asset Management nhận định.
Về đồng yên, giới chức Nhật Bản những ngày gần đây tiếp tục cảnh báo về khả năng can thiệp vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn biến động thái quá của tỷ giá. Tuy nhiên, Giám đốc đầu tư Mark Dowding của công ty RBC BlueBay Asset Management cho rằng bất kỳ động thái can thiệp nào cũng sẽ tốn kém mà chỉ có ảnh hưởng nhất thời.
“Đồng yên suy yếu vì chính sách tiền tệ vẫn còn quá nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Có vẻ như đồng yên sẽ còn tiếp tục yếu vì khoảng cách chính sách tiền tệ vẫn còn rất lớn”, ông Dowding nhận định.