Đồng yên bị bán khống mạnh, Bộ Tài chính Nhật gia tăng cảnh báo can thiệp
Hoạt động bán khống đồng yên Nhật Bản trên thị trường tài chính gia tăng trở lại sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) ngày 31/10 điều chỉnh nhẹ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) - một động thái không được như kỳ vọng của giới đầu tư...
Việc đồng yên lại giảm giá mạnh một lần nữa khiến nhà chức trách Nhật lên tiếng cảnh báo, bao gồm về khả năng can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Trong phiên giao dịch ngày 31/10 tại thị trường Mỹ, tỷ giá đồng yên giảm 1,7%, có thời điểm còn 151,74 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây và gần thấp nhất trong 15 năm. Mốc tỷ giá này cũng rất gần mốc 151,94 yên/USD đã dẫn tới việc Bộ Tài chính có động thái can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ cách đây 1 năm.
Ngoài ra, tỷ giá yên so với đồng euro cũng phá vỡ mốc 160 yên đổi 1 euro lần đầu tiên kể từ năm 2008.
GIỚI BÁN KHỐNG ĐỒNG YÊN ĐANG CHIẾM ƯU THẾ
Sáng nay, tỷ giá yên phục hồi nhẹ, có lúc lên 151,27 yên đổi 1 USD, giảm 13% từ đầu năm đến nay và giảm 38% so với mức đỉnh thiết lập trong đại dịch Covid-19. Tỷ giá yên so với euro dao động trên ngưỡng 160 yên đổi 1 euro.
Năm ngoái, đồng yên cũng mất giá khoảng 13% so với USD.
Ông Masato Kanda, quan chức cấp cao nhất về tiền tệ tại Bộ Tài chính Nhật Bản, tuyên bố cơ quan này sẵn sàng hành động nếu cần thiết. “Chúng tôi đang ở vị thế sẵn sàng hành động. Nhưng tôi không thể nói chúng tôi sẽ làm gì và vào lúc nào. Chúng tôi sẽ đánh giá tổng quát tình hình với một tinh thần cấp bách”, ông Kanda nói với các nhà báo.
Phiên giao dịch ngày 31/10 đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của đồng yên kể từ tháng 4. Đồng yên sụt giá sau khi BOJ giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và nói rằng mức trần 1% của lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm sẽ trở thành một giới hạn linh hoạt thay vì là một giới hạn cứng như trước.
Trước cuộc họp này của BOJ, thị trường đã kỳ vọng sẽ có một động thái nới biên độ của chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, nên việc BOJ chỉ điều chỉnh như vậy không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường.
Giới đầu tư và phân tích cho rằng đây là một tín hiệu rằng BOJ sẽ rất chậm chạp trong việc dịch chuyển khỏi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Trong khi đó, sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, châu Âu và Anh chính là nguồn áp lực giảm giá chủ yếu đối với đồng yên thời gian qua. Chừng nào BOJ còn nới lỏng và các ngân hàng trung ương khác chưa dừng thắt chặt, đồng yên sẽ còn chịu sức ép mất giá như vậy.
Cách đây 1 năm, việc đồng yên rớt giá ồ ạt về gần ngưỡng 152 yên đổi 1 USD đã dẫn tới việc Bộ Tài chính Nhật can thiệp vào thị trường tiền tệ để bảo vệ tỷ giá yên lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ. Trong 3 vòng can thiệp của năm ngoái, Nhật bản đã chi hơn 60 tỷ USD để mua vào đồng yên.
“Chúng tôi rất lo ngại về những biến động phiến diện và đột ngột về tỷ giá. Các yếu tố kinh nền tảng không thể khiến tỷ giá thay đổi vài yên mỗi USD chỉ sau một đêm được”, ông Kanda phát biểu.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, các nhà giao dịch hiện tại có vẻ không mấy lo ngại về khả năng Nhật Bản mua vào đồng yên để ngăn đà giảm giá. Giới đầu cơ đã gia tăng việc đặt cược vào sự mất giá của USD sau cuộc họp của BOJ.
“Các nhà đầu cơ giá xuống đồng yên đã quay trở lại, và với mốc 150 yên/USD không còn là giới hạn của một động thái can thiệp nữa, ngưỡng 152 yên/USD có thể sẽ bị thử thách”, chiến lược gia Charu Chanana của Saxo Bank nhận định, cho rằng đồng yên thậm chí có thể rớt giá về mốc 155 yên/USD.
BAO GIỜ ĐỒNG YÊN CÓ THỂ HỒI PHỤC?
Trong bối cảnh thiếu vắng sự can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối, giới đầu tư và chuyên gia cho rằng cần phải có sự dịch chuyển quan trọng về chính sách tiền tệ - đồng nghĩa sự thu hẹp chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ giữa Mỹ và Nhật Bản - đà trượt giá của yên mới có thể được hãm lại.
Động thái điều chỉnh YCC của BOJ “có thể không đủ để mở ra một con đường phục hồi cho đồng yên. Để sự phục hồi của đồng yên diễn ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần dịch chuyển sang một lập trường mềm mỏng hơn”, chiến lược gia Aninda Mitra của BNY Mellon Investment Management nhận định.
Fed sẽ hoàn tất cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 1/11 theo giờ Mỹ, nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất và tiếp tục khẳng định cam kết giữ chính sách tiền tệ ở trạng thái thắt chặt cho tới khi rủi ro lạm phát được kiểm soát thực sự.
Số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy cơ quan này không hề can thiệp vào thị trường tiền tệ trong tháng 10 vừa qua.
Đây được coi là một bằng chứng nữa cho thấy Nhật Bản “hiện không có phương pháp tiếp cận chính thức mới nào để vực dậy đồng yên”, nên các nhà giao dịch nhận thấy rõ cơ hội để xây dựng trạng thái bán khống yên - theo chiến lược gia Alan Ruskin của Deutsche Bank trong một báo cao. “Giờ đây, diễn biến tỷ giá giữa USD và yên sẽ không phụ thuộc nhiều vào các sự kiện ở Nhật Bản bằng tình hình kinh tế vĩ mô ở Mỹ”.
Phiên ngày 31/10, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,5%, đạt 106,66 điểm.
Một số nhà đầu tư nói rằng tình trạng mất giá của yên rốt cục có thể đến lúc buộc BOJ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt, đúng vào lúc mà Fed bắt đầu chuyển sang nới lỏng. Một sự dịch chuyển như vậy sẽ đưa đồng yên phục hồi mạnh, nhưng chưa rõ đến khi nào mới có sự dịch chuyển đó.
“Xét tới sự suy yếu gần đây của đồng yên, ngay cả sau khi BOJ điều chỉnh YCC, và sự phụ thuộc của Nhật Bản vào hàng hoá nhập khẩu, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu BOJ từ bỏ hoàn toàn YCC trong năm 2024. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng mua yên ở mức tỷ giá như bây giờ là hợp lý”, CEO Spencer Hakimian của Tolou Capital Management nhận định.